Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016-2020

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/11, với 82,39% đại biểu tán thành, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá về Kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2015,  Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu đầu tư chậm thay đổi, hiệu quả đầu tư thấp.
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tiến triển chậm, năng lực quản trị điều hành của doanh nghiệp thấp. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước yếu kém, một số chỉ tiêu kinh tế lệ thuộc cao vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ để phát triển, kinh tế tập thể còn bất cập.
 
Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được còn thấp.Cơ cấulại các ngành kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cơ cấu lại vùng kinh tế chưa được quan tâm đúng mức, không gian phát triển còn chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu thể chế tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô và chất lượng chưa đồng bộ với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Những yếu kém, hạn chế nêu trên chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về cơ cấulạinền kinh tế còn thụ động, chậm trễ, thiếu hiệu quả và thiếu sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương, có phần do lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ.

Chưa có đột phá về thể chế, nhất là thể chế đối với thị trường các yếu tố sản xuất, đổi mới thể chế chưa được tiến hành đồng bộ. Một số địa phương chưa chú trọng đến triển khai thực hiện cơ cấulại nền kinh tế. Vai trò giám sát của các cơ quan, tổ chức và người dân đối với cơ cấulạinền kinh tế chưa được phát huy đầy đủ.

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: Quốc hội thống nhất với quan điểm cơ cấu  lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 như Chính phủ trình và nhấn mạnh:

Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xây dựng mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả, thước đo lànăng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường.

Chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khai thác và phát huy tối đa nguồnlực trong nước kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển xã hội,thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế,đảm bảo đời sống người dân được cải thiện thực chất. 

Chú trọng khâu tổ chức thực hiện với các giải pháp, chính sách cụ thể, đo lường được kết quả, có tác động mạnh, kịp thời theo thị trường, coi phát triển khu vực tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.Phân bổ lại để sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước và các thành phần kinh tế khác theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan tỏa. Khắc phục tư tưởng bao cấp, xin-cho, ỷ lại; tập trung khoanh vùng để xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấulại nền kinh tếtrước đây, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác và các thành quả kinh tế-xã hội.

Thực hiện cơ cấulạinền kinh tế gắn với cải cách bộ máy chính quyền, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Tổ chức thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chủ động tận dụng các lợi thế của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và phục hồi môi trường theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế được quyết nghị như sau: Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN–4). Tỉ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội.

Hằng năm có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020 tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%.Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh sovới mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp;15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Các nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế: Tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Đồng tình miễn thuế đất cho nông dân

Chiều 8/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hầu hết các ĐB đồng tình với sự cần thiết phải bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại… Việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.

Theo ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình cá nhân là nguồn động viên giúp dân khai hoang, phát triển cánh đồng lớn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp. Còn giảm cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế hiện nay phát triển.  ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, làm được gì để hỗ trợ cho nông dân thì nên làm, hỗ trợ mà “giam chân” người ta không phát triển được thì cần xem lại. Chính vì vậy, ĐB Cường cho rằng, nếu miễn thuế cho tất cả các hộ gia đình sẽ dẫn đến việc có người dân đi làm việc khác, đất bỏ hoang hóa. Cho nên chỉ miễn tiền thuế sử dụng đất cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, còn người sử dụng sai mục đích thì thu thuế cao hơn. Như vậy nông nghiệp mới có thể chuyển mình. Nói như lời ĐB Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An): “Phần đóng góp cho ngân sách từ tiền thuế đất nông nghiệp không lớn. Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để tích tụ ruộng đất giúp cho nông dân”.

Về thời hạn miễn thuế, nhiều ĐB đồng tình thời hạn miễn thuế đến hết ngày 31/12/2020, nhưng Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, sửa đổi phù hợp và ban hành chính sách chung về thuế đối với đất đai, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trước những ý kiến của các ĐB, giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc giảm thuế đất cho nông dân sẽ giảm bớt khó khăn cho nông dân, góp phần giúp khoan sức dân, tạo đồng thuận trong Nhân dân. 


Tăng tính hiệu quả và lành mạnh thị trường tài chính

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp tiến trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra hữu hiệu. Tuy vậy, điều này cũng tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam và chắc chắn có những tác động mạnh mẽ đối với thể chế và chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế. Để nâng cao khả năng chịu đựng các cú sốc tài chính mới khi Việt Nam hội nhập sâu vào các FTA, Việt Nam cần tăng cường tính hiệu quả và lành mạnh của thị trường tài chính. Việt Nam đã có đề án và đang thực hiện cơ cấu lại hệ thống chứng khoán và ngân hàng. Tuy vậy, cách tiếp cận cải cách hệ thống tài chính vẫn thiên về từng thị trường, thay vì có tính liên hoàn giữa các thị trường cấu thành với nhau.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS Lê Xuân Sang


Tái cơ cấu trước hết phải thay đổi tư duy điều hành

Chúng ta đã nói đến tái cơ cấu rất nhiều, trong suốt thời gian dài nhưng đi sâu vào từng lĩnh vực đang tái cơ cấu, còn nhiều vấn đề đặt ra như: Tái cơ cấu ngân hàng thương mại còn dấu hỏi về Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC); Tái cơ cấu DNNN vẫn chậm và chưa đi vào bản chất; Tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả còn bỏ ngỏ, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn, đặc biệt từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công. Bức tranh nợ công hay bội chi ngân sách của Việt Nam là hệ quả của những lỏng lẻo trong kỷ luật ngân sách, nguyên do của những cơ chế khuyến khích ngược, thúc đẩy thành tích ảo thay vì tuân thủ quy định.

Gần đây đặt ra vấn đề tiền cho tái cơ cấu. Tôi cho rằng tái cơ cấu không hẳn là vấn đề tiền, tái cơ cấu lần này là phải thay đổi tư duy điều hành, thay đổi cách thức và mô hình tăng trưởng cũ, lạc hậu, trì trệ hiện nay. Chúng ta sẽ triển khai đề án mới thế nào và liệu “bổn cũ” có soạn lại? Vấn đề nằm ở quyết tâm chính trị xem chúng ta có thực sự dám đi đến tận cùng của việc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng hay không.

Chuyên gia kinh tế

Bùi Kiến Thành