Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ họp thứ 10 HĐND huyện Gia Lâm khóa XX, nhiệm kỳ 2021- 2026:

Thông qua nhiều nội dung quan trọng xây dựng huyện Gia Lâm thành quận

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

(Kinhtedothi-Sáng 2/6, HĐND huyện Gia Lâm khoá XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 10 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết nghị một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thông qua nhiều nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện các tiêu chí huyện thành quận, xã thành phường.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 10 HĐND huyện Gia Lâm khoá XX, nhiệm kỳ 2021-2026.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 10 HĐND huyện Gia Lâm khoá XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phê duyệt chủ trương đầu tư 19 dự án trên địa bàn

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt khẳng định: Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu và đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường theo kế hoạch. Đến nay, huyện đã có 7 xã được thành phố công nhận xã NTM nâng cao, 11 xã đang hoàn thiện xã NTM nâng cao và kiểu mẫu. Huyện đang tập trung và cơ bản hoàn thành Đề án xây dựng huyện trở thành quận để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đầu tư xây dựng huyện thành quận theo kế hoạch, UBND huyện cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đối với các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt, trong đó cần tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch đầu tư công năm 2023, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí theo quy định.

Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại Kỳ họp
Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại Kỳ họp

Do đó, Kỳ họp thứ 10 HĐND huyện Gia Lâm sẽ xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng gồm: Phê duyệt chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của HĐND huyện; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 huyện Gia Lâm (đợt 1); thông qua Đồ án Quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2, tỷ lệ 1/500; thông qua nội quy kỳ họp HĐND huyện Gia Lâm khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND huyện Gia Lâm đã được nghe đại diện lãnh đạo UBND huyện, HĐND huyện trình bày các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của HĐND huyện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 huyện Gia Lâm (đợt 1); đồ án Quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2, tỷ lệ 1/500; Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện báo cáo kết quả thẩm tra Báo cáo, Tờ trình, dự thảo Nghị quyết theo quy định...

Về việc phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh và cho ý kiến chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công huyện, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án thuộc các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, tổng mức đầu tư dự kiến 337,075 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ 125,893 tỷ đồng, ngân sách huyện 211,182 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 9 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến sau điều chỉnh 801,199 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố 15 tỷ  đồng; nguồn vốn ngân sách huyện 786,199 tỷ đồng, tổng mức đầu tư tăng thêm 42,710 tỷ đồng... Các đại biểu đã tập trung thảo luận, xem xét, biểu quyết thông qua các Nghị quyết của kỳ họp.

Giải trình hiệu quả vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Báo cáo tại phiên giải trình, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm cho biết, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất theo vùng chuyên canh cho toàn bộ 20/22 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp (trừ Thị trấn Yên Viên và xã Bát Tràng) để cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025". 

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng báo cáo tại phiên giải trình
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng báo cáo tại phiên giải trình

Đến nay, huyện đã có 313 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có 90 phương án thực hiện trên quỹ đất nông nghiệp công ích do UBND các xã, thị trấn quản lý; 223 phương án thực hiện trên quỹ đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Nhiều phương án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế toàn huyện, như: Phương án trồng hoa lan, trồng nấm ăn, đông trùng hạ thảo tại xã Phú Thị; phương án xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại xã Đặng Xá; phương án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Yên Thường...

Đại diện lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban, đơn vị liên quan đã có phần giải trình, làm rõ một số một số tồn tại, hạn chế nhất định như công tác chuyển đổi cơ cầu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung còn chậm; một số phương án có phát sinh vi phạm như sử dụng sai một số nội dung được phê duyệt, phát sinh công trình xây dựng…; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sau đầu tư chưa cao…

Phát biểu bế mạc phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Tiến Việt khẳng định: Phiên giải trình của Thường trực HĐND Huyện đã được tổ chức đúng luật, chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt đề nghị UBND huyện, các xã, thị trấn cần phát huy kết quả đã đạt được, tập trung khắc phục những vi phạm còn tồn tại và thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các Kế hoạch của UBND huyện về khắc phục các tồn tại của các phương án trên quỹ đất công do UBND các xã, thị trấn quản lý và quỹ đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/NĐ/CP của Chính phủ.

Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các quy định và hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; các chủ trương, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của thành phố và huyện tới các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã (HTX), tổ nhóm PGS cũng như quan tâm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời, chủ động hơn nữa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, giao thông nội đồng, hệ thống tưới, tiêu, hệ thống đường điện, xây dựng nhà tập kết, sơ chế phục vụ cho sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; kịp thời phát hiện, xử lý các phương án phát sinh vi phạm mới theo quy định và xử lý, khắc phục dứt điểm tồn tại của các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn Huyện theo các Kế hoạch của UBND huyện.