Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông tin 114] Nguy cơ cháy, nổ từ tục đốt vàng mã

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thờ cúng thần Phật, tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt, cùng với đó là tục lệ thắp hương, đốt vàng mã vào các ngày lễ, Tết. Tục lệ này không chỉ ở phạm vi cúng lễ trong gia đình mà còn diễn ra tại các đền, chùa, cơ quan, đặc biệt là những người làm kinh doanh, buôn bán…

 Ảnh minh họa
Để hạn chế những tai nạn cháy nổ có thể xảy ra khi đốt vãng mã, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa ra khuyến cáo với người dân. Theo đó, phải cẩn trọng việc thắp hương, thắp nến thờ cúng và hóa vàng mã; thắp hương cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi; không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn như nhà lầu, xe hơi… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn; nên đốt vàng mã ở nơi cách xa các vật liệu dễ cháy.
Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngầm. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy. Bố trí nơi thắp hương thờ cúng, các vật dụng trang thiết bị trên bàn thờ bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, việc thắp hương phải có người trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, đặc biệt khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy.
Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần bảo đảm an toàn PCCC về điện, dây dẫn bảo đảm cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương. Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC.