Thông tin cá nhân bị lộ từ... trong thùng rác

Khánh An (laodong.vn)
Chia sẻ Zalo

Theo chuyên gia an ninh mạng, có những nơi mà người dân “không ngờ tới” nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân .

 

Người dân cần kiểm tra kỹ vỏ hộp trước khi vứt ra thùng rác. Ảnh: Khánh An
Người dân cần kiểm tra kỹ vỏ hộp trước khi vứt ra thùng rác. Ảnh: Khánh An

Những kiện hàng chứa thông tin cá nhân

Theo thói quen, sau khi nhận được đơn đặt hàng trên mạng, chị Phạm Thùy Linh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lập tức lấy sản phẩm bên trong và vứt bỏ túi/hộp đựng bên ngoài. Chị cho biết, chưa từng quan tâm đến những thông tin ghi bên ngoài vỏ hộp, mà chỉ thường để ý xem sản phẩm mình đặt mua chất lượng có tốt, mẫu mã có đẹp hay không.

“Tôi cứ nhận hàng về là lập tức vứt vỏ hộp ra thùng rác, cũng chưa bao giờ để ý những thông tin cá nhân của mình có in trên đó hay không” - chị Linh nói.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát và An toàn Không gian mạng Quốc gia, đây là một thói quen sai lầm của đa số người mua hàng trên mạng.

Ông Hiếu cho hay, thông thường bên ngoài mỗi kiện hàng sẽ được dán một tờ giấy in thông tin sản phẩm và thông tin của người mua. Trong đó, có những thông tin gồm tên, số điện thoại, email, địa chỉ nhà... Nếu không xé bỏ, rất có thể người mua sẽ bị lộ lọt thông tin cá nhân, cho dù những thông tin đấy đã bị vứt ra ngoài thùng rác.

Hiện một số trang thương mại điện tử đã ẩn thông tin người mua hàng bằng các ký tự xen lẫn, song vẫn có rất nhiều đơn vị bán hàng in nguyên thông tin của khách hàng lên kiện hàng. Vì vậy, để chắc chắn thông tin cá nhân không bị lộ lọt, theo ông Hiếu, người dân nên kiểm tra kỹ một lượt trước khi vứt vỏ đơn hàng. Trong trường hợp thấy có xuất hiện thông tin cá nhân, cần xé bỏ trước khi vứt.

Ngoài vỏ kiện hàng, người dân còn có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân khi làm thẻ khách hàng tại các khu vui chơi, quán ăn, rạp chiếu phim, trung tâm tiếng Anh...

Những hành động tưởng như “vô thưởng vô phạt” nhưng có thể khiến người dân đối mặt với các nguy cơ bị lừa đảo do thông tin bị lộ lọt.

Thùng rác chứa những vỏ hộp có thông tin của khách hàng. Ảnh: Khánh An
Thùng rác chứa những vỏ hộp có thông tin của khách hàng. Ảnh: Khánh An

Các vấn đề gặp phải khi bị lộ lọt thông tin

Theo ông Hiếu, khi bị lộ thông tin cá nhân, người dân có thể phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Các đối tượng xấu có thể sử dụng nhiều cách để lừa đảo dựa trên các thông tin cá nhân bị lộ như căn cước công dân, số điện thoại, hay thẻ ngân hàng...

Các thông tin này có thể bị bán trên diễn đàn của hacker, trao đổi với các cá nhân khác, hoặc bị sử dụng để lừa đảo trên mạng xã hội, nhằm mục đích giả danh, bôi nhọ danh dự, đăng tin lừa đảo, hay liên hệ để lừa tiền của người khác.

Ngoài ra, các đối tượng có thể dùng thông tin thẻ ngân hàng bị đánh cắp để mua sắm trực tuyến. Với thông tin căn cước công dân, các đối tượng sẽ dùng vào mục đích như xác thực danh tính online ở các ứng dụng vay tiền…

Số điện thoại của người dân cũng có thể bị quấy rầy, tống tiền, đe dọa hoặc bị lừa đảo qua nhiều kịch bản mà kẻ xấu đã dàn dựng một cách tinh vi.

Khi bị lộ thông tin cá nhân, người dân cần lập tức liên hệ với cơ quan chức năng. Song song với đó, cần thiết lập lại mật khẩu, bật chế độ bảo mật 2 bước cho các tài khoản online mà bản thân đang sử dụng như: Facebook, email... Trong trường hợp bị lộ thông tin ngân hàng, cần liên hệ ngay với ngân hàng để khóa thẻ lại và xin được cấp thẻ mới.

Theo thống kê từ Bộ Công an, dữ liệu cá nhân của 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Bộ Công an nhận định, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng. Việc này dẫn tới dữ liệu bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Trong 2 năm qua, lực lượng chức năng đã khởi tố 5 vụ án hình sự, với hàng nghìn GB dữ liệu và chứa hàng tỉ thông tin cá nhân bị mua bán.