Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông tin mới về hiệu quả của vaccine với biến thể Omicron

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghiên cứu mới đây cho thấy Omicron có khả năng xâm nhập miễn dịch hình thành nhờ tiêm vaccine tốt hơn các biến thể trước đó.

Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, biến thể Omicron làm giảm đáng kể khả năng sản sinh miễn dịch từ vaccine của Pfizer-BioNTech so với các biến thể khác của SARS-CoV2.
Cụ thể, đánh giá sơ bộ từ các thí nghiệm về hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi phát hiện rằng Omicron làm giảm số kháng thể hình thành nhờ tiêm chủng khoảng 40 lần so với thể gốc và giảm 3 lần so với Beta, từng là biến thể phổ biến nhất tại Nam Phi. Điều này cho thấy Omicron có khả năng xâm nhập miễn dịch hình thành nhờ tiêm vaccine tốt hơn.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy những ca nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi và đã được tiêm liều bổ trợ có nguy cơ mắc Covid-19 nặng thấp hơn.
 Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu biến thể Omicron để có phương án ứng phó hiệu quả. Ảnh: Reuters
Giáo sư Alex Sigal, trưởng nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm có trụ sở tại Durban, khuyến cáo nên tiêm mũi nhắc lại để giảm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là giảm nguy cơ chuyển biến nặng.
Nghiên cứu này dự kiến sẽ làm nóng thêm các tranh luận về việc liệu có cần sớm điều chỉnh vaccine nhằm chống lại Omicron.
Kết quả, cùng với kết quả từ các phòng thí nghiệm khác hiện đang được tiến hành, sẽ giúp xác định xem liệu vaccine Covid-19 hiện có cần được thay đổi để bảo vệ chống lại Omicron hay không.
Hãng tin AP dẫn lời ông Willem Hanekom, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi, cho biết các dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy Omicron gây tái nhiễm cao hơn các biến thể khác.
Dù hầu hết bệnh nhân mắc Omicron ở Nam Phi là giới trẻ, có triệu chứng nhẹ song tình hình có thể khác đi ở những nơi khác trên thế giới và ở những nhóm bệnh nhân khác.
Kể từ khi Nam Phi công bố phát hiện ra Omicron vào ngày 25/11, khoảng 450 nhà nghiên cứu trên toàn cầu đã làm việc để phân lập biến thể đột biến cao từ mẫu bệnh phẩm, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, xác minh trình tự gen và các nghiên cứu khác, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron ở Nam Phi đã làm dấy lên lo ngại rằng khả năng bảo vệ miễn dịch được tạo ra từ việc tiêm chủng, hoặc đợt tiêm Covid-19 trước đó, có thể không đủ để ngăn chặn nhiễm trùng hoặc ngăn chặn một làn sóng ca bệnh mới và nhập viện.
Tuy nhiên, sự gia tăng các ca bệnh ở Nam Phi sau sự xuất hiện của Omicron cho đến nay vẫn chưa khiến các bệnh viện choáng ngợp, khiến một số người lạc quan thận trọng rằng chủng biến thể chỉ gây ra các ca bệnh nhẹ.
Trong lúc chờ đợi đáp án, các chuyên gia khuyên người dân bảo vệ bản thân tối đa bằng cách tiêm vaccine ngừa Covid-19, tiêm mũi bổ sung nếu điều kiện cho phép và thực hiện các biện pháp hạn chế lây nhiễm như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh tập trung đông người trong không gian kín.