Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ đô Hà Nội - tầm vóc mới về quản lý và phát triển đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội - đô thị đặc biệt đã trải qua lịch sử phát triển với bề dày truyền...

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội - đô thị đặc biệt đã trải qua lịch sử phát triển với bề dày truyền thống và những dấu ấn đặc biệt. Sau khi thực hiện chủ trương lớn về mở rộng địa giới hành chính và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đã trải qua một giai đoạn mới về phát triển đô thị. Để có sự thay đổi cả về lượng và chất, nhất là tầm vóc, quy mô và diện mạo, công tác quản lý đô thị cũng đã có những bước chuyển biến vượt bậc.

Dấu ấn quy hoạch      

Kể từ 1954 đến nay, Hà Nội đã 7 lần được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung (QHC) xây dựng. Mỗi quy hoạch đều thể hiện rõ vai trò là định hướng phát triển, là công cụ để quản lý trong từng giai đoạn. Công tác QH luôn được Nhà nước, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội xác định là công tác quan trọng, thường xuyên được quan tâm và luôn đi trước một bước.

So với cả nước, công tác QH của Thủ đô đã thực sự phát huy được vai trò góp phần tạo được sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế - văn hóa. Hà Nội mở rộng năm 2008 đòi hỏi Hà Nội phải có tầm nhìn, đổi mới về công tác QH. Sau gần 3 năm nghiên cứu, QH tổng thể KT - XH đã được phê duyệt tại Quyết định 1081/QĐ-TTg ngày 6/7/2011 và QHC xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Để cụ thể hóa QHC cần gần 160 đồ án các loại từ QHC các đô thị vệ tinh, QH phân khu và một số QH chi tiết, thiết kế đô thị... Đây là trọng trách, là thách thức lớn trong giai đoạn 2010 - 2015. Ngày 29/7/2011, khi công bố QHC xây dựng Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, song đây mới chỉ là kết quả bước đầu, đòi hỏi phải nỗ lực, quan tâm nhiều hơn, với sự đồng thuận, quan tâm của cộng đồng trong tổ chức thực hiện.
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong 5 năm qua với sự chỉ đạo của TP, công tác QH thực sự đã có bước đột phá. Nhiều khu vực đã có QHXD từ 10 - 15 năm trước, thì lần này đã được nghiên cứu, phê duyệt hoặc thẩm định theo định hướng phát triển mới như: Khu vực Hồ Tây, QH Khu trung tâm Chính trị Ba Đình, QH bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa, Khu di tích trung tâm Hoàng thành - Thăng Long, khu phố cổ, QH chuyên ngành về nghĩa trang, quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ TP, QH phát triển nghề và làng nghề... Một thành tựu lớn cần phải kể đến trong công tác QH của Hà Nội đó là QH xây dựng nông thôn mới.

Đến cuối năm 2012, Hà Nội đã phê duyệt xong 401 QH nông thôn mới. Đến nay đã có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phủ kín gần 70% diện tích là ngoại thành - nông thôn. Thành quả về QH như nêu trên cho phép chúng ta hy vọng rằng đây sẽ là khu vực không thể thiếu trong phát triển bền vững để đảm bảo cả Hà Nội xứng tầm là đô thị đặc biệt, minh chứng mở rộng Hà Nội là cần thiết.

Thay đổi của hệ thống kết cấu hạ tầng

Trong giai đoạn 2010 - 2015, TP đã chú trọng đến hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối giao thông đối ngoại với nội đô như: Đoạn đường trên cao Mai Dịch - Linh Đàm dài 8,9km đã thông xe tháng 6/2012 (vượt kế hoạch gần một năm); các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai; các tuyến Vành đai 1 - 2 - 3 được định hướng từ QH 1981 đã từng bước triển khai thì giai đoạn này đã hoàn thành đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Vành đai 1), đoạn Nhật Tân - Xuân La (Vành đai 2)...

Các tuyến chính kết nối như tuyến đường 5 kéo dài, Quốc lộ 32 (Nhổn - Sơn Tây và Sơn Tây - Trung Hà) nâng cấp mở rộng tuyến Láng - Hòa Lạc, cầu Vĩnh Thịnh...

Một trong những dấu ấn đáng quan tâm đó là cầu Nhật Tân đã có giai đoạn chuẩn bị hơn 10 năm được xác định vị trí từ QHC 1998 đã được khánh thành khai thác từ tháng 1/2015. Đây là cây cầu được TP quan tâm không chỉ thuận tiện cho giao thông mà phải đạt yếu tố thẩm mỹ, góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho Thủ đô. Cầu dài gần 3.800m, rộng 33,2m được thiết kế là cầu dây văng với 5 trụ tháp, đây là số ít cầu dây văng nhiều nhịp được xây dựng trên thế giới.

Cùng với cầu là đường nối Sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân với chiều dài toàn tuyến 12,1km. Quy hoạch hai bên tuyến đường với diện tích 2.100ha sẽ là trục đô thị hiện đại với ý tưởng "Rồng đón ngọc" có các công trình như toà tháp tài chính cao 108 tầng trung tâm triển lãm quốc tế, khu ĐT sinh thái... Nhà ga hành khách T2 - Nội Bài với thời gian chuẩn bị hơn 10 năm khởi công xây dựng tháng 12/2011 và hoàn thành quý IV/2014 đã minh chứng lựa chọn phương án kiến trúc và chuẩn bị đầu tư thích hợp. Đây là công trình 4 tầng hiện đại với vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Có thể phục vụ 30.000 lượt khách, 230 lượt máy bay hạ cất cánh/ngày...

Cùng với hệ thống giao thông là các công trình hạ tầng kinh tế như cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải đã được xây dựng góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Dấu ấn của những công trình kiến trúc

Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020, TP đã có kế hoạch phát triển nhà ở có chú trọng đến các khu đô thị mới chất lượng cao được xây dựng đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh như: Royal City, Time City... nâng diện tích nhà ở bình quân cho người dân đô thị lên 23 - 24m2/người, cao hơn mức bình quân 21,5m2/người của năm 2011.

Về nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, Hà Nội đã đi đầu cả nước. Nhiều công trình công cộng được xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2015 đã tạo nên diện mạo không gian mới như: Toà nhà Văn phòng Quốc hội đã được giải thưởng lớn về kiến trúc quốc gia.

Toà nhà Lotte Center Hà Nội với 65 tầng nổi, 5 tầng hầm cao 272m được khai trương ngày 2/9/2014 là toà nhà cao thứ 2 sau Keangnam 72 tầng cao 350m. Cùng với tạo lập diện mạo đô thị mới là công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường cũng có những chuyển biến rõ rệt. Trật tự đô thị, trật tự vỉa hè, vệ sinh đường phố, tình trạng xây nhà siêu mỏng, siêu méo cũng đã từng bước được giải quyết.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn thấy rõ các tồn tại, hạn chế như triển khai QH chưa đạt như kế hoạch đề ra, công tác cải tạo chung cư cũ, xã hội hoá đầu tư còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ; việc di dời các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô còn chậm; chưa phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong quản lý, khai thác, phát triển đô thị. Song những gì đạt được trong 5 năm qua với hành trang mới, chúng ta có quyền tin tưởng giai đoạn 2015 - 2020, Thủ đô Hà Nội sẽ kế thừa và tiếp tục đổi mới, phát triển để đạt tới mục tiêu “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại và Bền vững”.