Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được nêu ra trong báo cáo 10 tháng năm 2015 của Ban chỉ đạo quốc gia...

Kinhtedothi - Đó là thông tin được nêu ra trong báo cáo 10 tháng năm 2015 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia).

Số lượng các vụ vi phạm cũng ngày càng tăng, và tập trung ở các tuyến biên giới.
Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ mỹ phẩm giả. 	Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ mỹ phẩm giả. Ảnh: Hoài Nam
Trong 10 tháng, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm, số thu nộp ngân sách từ vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 10.120 tỷ đồng, khởi tố hơn 1.000 vụ án hình sự.

Trong đó, lực lượng hải quan qua công tác chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện bắt giữ và xử lý 17.853 vụ việc, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng. Lực lượng thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm hơn 51.000 DN, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 8.000 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý gần 87.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 370 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, số lượng các vụ vi phạm ngày càng tăng, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và tập trung tại các tuyến biên giới. Các mặt hàng nổi lên trong thời gian qua là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội... Tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, đồ chơi bạo lực, mỹ phẩm, nội tạng động vật… diễn ra nóng bỏng. Bên cạnh đó là hoạt động buôn lậu gỗ, động thực vật hoang dã tại tuyến Nam miền Trung và Tây Nguyên và buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, đường cát tại tuyến biên giới Tây Nam.

Một số vụ việc đáng chú ý như vụ buôn lậu 31,6kg cocain vận chuyển trái phép từ Nam Mỹ vào Việt Nam qua đường biển TP Hồ Chí Minh và đường hàng không TP Hà Nội; vụ vận chuyển 94 khẩu súng ngắn quân sự, 472 hộp tiếp đạn, 21 chi tiết là bộ phận phụ trợ của vũ khí quân sự; vụ bắt giữ trên 4.000 tấn than 5B tại vùng biển Quảng Ninh; bắt giữ 513.000 lít dầu DO, 212.076 lít dầu FO không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp tại vùng biển Kiên Giang; vụ gian lận, cố tình khai báo sai tên hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Công nghiệp gốm sứ Dian-Ya (tỉnh Đồng Nai) nhằm trốn thuế nhập khẩu đối với trên 1.000 container đá… Đặc biệt, theo đại diện Ban chỉ đạo, đáng báo động nhất là hiện tượng sản xuất phân bón giả và thuốc bảo vệ thực vật. Việt Nam là nước nông nghiệp, có gần 1.000 DN và khoảng 16.000 cơ sở kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới chỉ kiểm tra xử lý khoảng 3.000 vụ và kiến nghị xem xét khởi tố hình sự 11 vụ liên quan đến mặt hàng này. “Điều này cho thấy, việc kiểm soát mặt hàng phân bón còn nhiều hạn chế. Chúng tôi cũng nhận thấy điều này và đang có các hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát” - ông Cẩn nhấn mạnh.

Dịp Tết Bính Thân, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các bộ, ngành, địa phương.