Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu đủ, chi đúng, tránh tình trạng thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hôm nay, 17/8, tại Phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia BHXH là 16.161.789 người, tăng thêm 2,5% so với năm 2019. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 15.033.644 người, giảm 1,12% so với năm 2019; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.128.145, tăng 2,1% so với năm 2019. Số người tham gia BHTN là 13.320.231 người, giảm 0,54% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,57% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt gần 935.174 tỷ đồng, trong đó, các quỹ kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt gồm: Quỹ ốm đau, thai sản là 12.772 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 53.751 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 789.130 tỷ đồng; Quỹ BHTN là 89.141 tỷ đồng.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,65% so với năm 2019 và gấp hơn 2 lần so với số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019. Số tham gia BHXH hưởng BHXH một lần là 11.887 người tăng 50% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi chậm đóng là 3.017 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số nợ)...
Đối với tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN, Quỹ BHTNLĐ-BNN năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Về cơ bản các quỹ ngắn hạn đều bảo đảm chi trả và có kết dư lớn; Tuy nhiên Quỹ ốm đau, thai sản có năm thứ 2 liên tiếp mất cân đối thu - chi nhẹ (số thu nhỏ hơn số chi). Tuy nhiên vẫn có nguồn kết dư và dự báo việc mất cân đối - thu chi này sẽ tự điều chỉnh về thặng dư dương khi tăng tuổi nghỉ hưu và vẫn thực hiện các chính sách, chế độ về ốm đau, thai sản như hiện nay. Về Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn trong việc bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (già hóa dân số).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Bộ LĐTB&XH cần báo cáo thêm vướng mắc trong việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm trong nhiều năm của doanh nghiệp, việc này đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, tình trạng hưởng BHXH một lần sẽ tiếp tục tăng cao.
“Phải chăng thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần còn đơn giản, vô hình trung đã khuyến khích người đóng bảo hiểm rút về một lần để tiêu hết, từ đó phát sinh những vấn đề về an sinh xã hội”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Trước tình hình kết dư Quỹ BHTN còn rất lớn, trong khi dịch bệnh đang ảnh hưởng sâu rộng khiến người lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng, một số ý kiến đề nghị chi kết dư Quỹ BHTN cho các địa phương tiêm vaccine Covid-19 hoặc hỗ trợ để bảo đảm cuộc sống cho công nhân lao động.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản của tất cả các quỹ bảo hiểm là đóng - hưởng, có đóng thì mới có hưởng, ai đóng thì người đó hưởng, không được sử dụng quỹ để chi ngân sách, việc quản lý quỹ phải chặt chẽ, đúng mục đích, đúng nguyên tắc và phải tuân thủ theo luật định. Về thu chi BHXH phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng tránh tình trạng thất thoát quỹ
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu sớm triển khai sửa đổi Luật BHXH thì những khuyết điểm căn cơ của lĩnh vực quản lý bảo hiểm sẽ được khắc phục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý làm rõ hơn công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH; làm rõ nguyên nhân nợ đọng bảo hiểm kéo dài; đổi mới phương thức thanh, kiểm tra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý quỹ, tránh thất thoát quỹ…