Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu gần 345 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, tổng số tiền bản quyền mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu là gần 345 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với năm 2022.

Theo VCPMC, trong gần 345 tỷ đồng thu về, lĩnh vực website ứng dụng nhạc chiếm tỉ trọng lớn nhất (hơn 260 tỷ đồng). Bên cạnh đó là biểu diễn hòa nhạc trực tiếp (gần 15 tỷ đồng), sao chép demo trực tuyến (hơn 13 tỷ đồng), tiền bản quyền từ CMO quốc tế (gần 15 tỷ đồng)...

Trong gần 345 tỷ đồng thu về, lĩnh vực website ứng dụng nhạc chiếm tỉ trọng lớn nhất (hơn 260 tỷ đồng). Ảnh minh hoạ: Lại Tấn.
Trong gần 345 tỷ đồng thu về, lĩnh vực website ứng dụng nhạc chiếm tỉ trọng lớn nhất (hơn 260 tỷ đồng). Ảnh minh hoạ: Lại Tấn.

VCPMC đã chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả hơn 305 tỷ đồng thành 4 đợt, tăng 90% so với năm 2022. Số tiền phân phối của quý IV/2023 sẽ được chi trả đến các thành viên vào trước Tết Nguyên đán 2024.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, số lượng thành viên trong năm 2023 tăng thêm 398 tác giả. Tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC đến nay là 5.782 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Mặc dù vậy, ở lĩnh vực biểu diễn, hiện nay, VCPMC thường xuyên gặp khó khăn bởi nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả đã được pháp luật quy định cũng như né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, thời gian và nhân lực của VCPMC.

Đồng thời, tình hình biểu diễn trên cả nước vẫn khá sôi động, phát triển nhưng nguồn thu ở lĩnh vực biểu diễn vẫn thấp, tỷ trọng chỉ vào khoảng 4% trong tổng nguồn thu của VCPMC.