Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu gom rác thải điện tử vẫn nhiều vướng mắc

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005 đã quy định trách nhiệm phải thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng của nhà sản xuất, nhập khẩu pin.

Nhưng đến nay, vẫn chưa có nhà sản xuất, nhập khẩu nào ra thông báo chính thức rằng sẽ thường xuyên nhận lại pin cũ từ cộng đồng. Có thể thấy, địa điểm thu hồi pin đang trở thành trở ngại lớn nhất đối với ý thức giữ gìn môi trường của người dân.

Hàng loạt điểm thu gom từ chối nhận pin cũ

Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cho thấy, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử/năm. Tuy vậy, lượng rác thải điện tử được thu hồi, xử lý đúng quy trình rất ít.

Bên cạnh đó, do pin cũ không có giá trị để tái chế, trong khi sản phẩm này tồn tại rất nhiều trong các gia đình nên dễ bị đổ chung cùng rác thải sinh hoạt. Theo chia sẻ của một số chủ cửa hàng sửa máy tính trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đối với laptop cũ khi thu mua thường sẽ trả lại pin cũ cho khách. Nếu khách không cầm về sẽ vứt chung cùng các loại rác thải khác.

Việt Nam Tái chế từng là tổ chức thu nhận pin cũ nhiệt tình nhất. Theo thống kê năm 2020, trong số 30 tấn rác thải điện tử thu hồi có đến 11 tấn pin cũ. Ảnh: Việt Nam tái chế
Việt Nam Tái chế từng là tổ chức thu nhận pin cũ nhiệt tình nhất. Theo thống kê năm 2020, trong số 30 tấn rác thải điện tử thu hồi có đến 11 tấn pin cũ. Ảnh: Việt Nam tái chế

Cùng với đó, nhiều gia đình tại Hà Nội cũng than phiền về tình trạng ùn ứ pin cũ, đặc biệt là các loại pin tiểu mà chưa biết xử lý thế nào, khi thời gian gần đây nhiều địa điểm thu gom pin quen thuộc không thu nhận nữa.

Chị Thu Giang (phường Xuân La, quận Tây Hồ) kể, hơn một năm qua, gia đình chị tích được hơn 5 kg pin cũ. Đến khi liên hệ thì tất cả các điểm đều ngừng nhận, dù trước đó không lâu họ vẫn kêu gọi người dân mang pin cũ tới nộp hoặc đổi lấy quà. “Có người hỏi tôi sao không vứt đi cho đỡ chật nhà. Nhưng 1 viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước và 1 mét khối đất trong 50 năm, vậy hơn 5kg pin nhà tôi sẽ gây ô nhiễm tới mức nào nếu thải ra môi trường?”- Chị Thu Giang chia sẻ.

Tương tự, gia đình anh Hoàng Anh Đức (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cũng đang loay hoay với thùng pin cũ không nơi nào nhận. “Mọi việc bắt đầu từ cuối tháng 10/2021, khi Việt Nam Tái chế (VNTC) – chương trình hoạt động tích cực nhất trong việc nhận thu hồi, xử lý và tái chế rác thải điện tử thông báo ngừng nhận các loại pin và ắc-quy chì. Sau đó, các tổ chức, hội nhóm bảo vệ môi trường khác như Green Life, Tắt đèn Bật ý tưởng,… và một số nơi như hệ thống siêu thị VinMart sau khi đổi chủ (nay là WinMart), Công ty Hanel Trading… cũng đồng loạt từ chối nhận pin cũ” - anh Đức chia sẻ.

Bà Mai Hằng – Đại diện quản lý chương trình VNTC giải thích, do hai thành viên là Công ty HP và Apple chỉ sản xuất các thiết bị điện tử, không sản xuất pin nên phía công ty ngừng thu gom pin nhằm tập trung tuyên truyền và thu hồi rác thải điện tử để đạt được tỷ lệ thu hồi bắt buộc. Các tổ chức, chương trình bảo vệ môi trường khác cũng nêu lý do tương tự.

Trong khi đó, tại điều 54, 55 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế và xử lý sản phẩm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.

Nhà sản xuất, nhập khẩu chưa có động thái

Theo tìm hiểu, hiện nay tại Hà Nội đã có một số địa điểm mới thu gom pin cũ. Đầu tiên là Công ty CP Pin Hà Nội – Habaco ở địa chỉ tại 72 đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì – đây cũng là đơn vị duy nhất nhận thu gom pin cũ thường xuyên. Habaco nhận tối đa 70 viên pin trên mỗi lần thu gom từ một cá nhân hoặc một nhóm.

Tuy nhiên, vị trí của Habaco lại nằm khá xa trung tâm TP, không thuận lợi cho phần lớn người muốn đi nộp pin cũ. Ngoài ra còn một số địa điểm thu hồi pin khác là các cửa hàng xanh, hệ thống siêu thị Aeon mall tại Long Biên và Hà Đông, tuy nhiên vẫn là quá ít.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT), rác thải điện tử tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thu gom bởi “lực lượng” đồng nát, cơ sở ve chai/phế liệu hoặc cửa hàng sửa chữa & mua bán đồ điện tử. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn chưa tham gia nhiệt tình, chưa có động thái tích cực và đưa ra thông báo chính thức rằng sẽ thường xuyên nhận lại pin cũ từ cộng đồng thì việc giảm thiểu tác hại của rác thải điện tử nói chung và pin nói riêng tới môi trường sẽ không đem lại hiệu quả.

Cùng với đó, phía cơ quan chức năng và DN liên quan cần đẩy mạnh xây dựng các địa điểm thu gom thuận lợi, hợp lý để các hoạt động vì môi trường phát triển và đạt hiệu quả cao hơn.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, bà Mai Hằng – Đại diện quản lý chương trình VNTC cho biết, sau khi VNTC ngừng nhận pin cũ, rất nhiều người đã nhắn tin và gọi điện cho chương trình để hỏi về các điểm thu gom còn hoạt động. Điều này chứng tỏ, ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc thu gom và xử lý pin đúng cách.

“Hiện nay chúng tôi đang có những kế hoạch và một số chương trình riêng. Trong tương lai kêu gọi được nhiều nhà sản xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thu hồi pin để đạt hiệu quả lâu dài hơn. Nếu các nhà sản xuất, nhập khẩu cùng tham gia thu gom và xử lý pin, thì VNTC sẵn sàng đồng hành với họ” – bà Mai Hằng cho biết.

 

Theo Quyết định số 491/2018/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/5/2018, đến năm 2025, 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật.