Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm thu gom vỏ hộp sữa sau khi sử dụng. Ảnh: Phạm Hùng |
25 triệu vỏ hộp sữa được thu gom
Tại Hà Nội, theo thống kê, trung bình mỗi ngày có trên 1 triệu trẻ em uống sữa, phát sinh ra ít nhất 1 triệu vỏ hộp sữa tương đương với 10 tấn rác thải. Với thành phần 75% giấy, 21% nhôm và 4% nhựa - vỏ hộp sữa có thể tái chế 100% và trở thành những nguyên liệu hữu ích trong đời sống. Xuất phát từ ý nghĩa đó, để không bị lãng phí tài nguyên và góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, các Sở TN&MT, GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, Công ty CP Lagom Việt Nam cùng một số đơn vị tái chế tại Việt Nam đã triển khai chương trình thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2019. Đến nay, đã có 19/30 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia chương trình và duy trì thu gom vỏ hộp sữa tại 803 trường học. Đặc biệt, chương trình đã huy động được sự tham gia và tác động đến 30.000 giáo viên, hơn 500.000 học sinh mầm non, tiểu học.
Tổng khối lượng vỏ hộp sữa thu gom được tại các trường học tham gia chương trình đến tháng 7/2020 là 244.061kg, tương đương khoảng 25 triệu vỏ hộp. Từ đó, chương trình đã tái chế và góp phần giảm thiểu được trên 244 tấn rác thải vào bãi chôn lấp tập trung của TP Hà Nội. Ngoài ra, các nhà trường tham gia chương trình cũng giảm được phí rác thải sinh hoạt hàng tháng. Lượng khí thải CO2 từ việc thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giảm hơn 2.711 tấn từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của việc tái chế vỏ hộp sữa, bảo vệ môi trường. Thông qua đó, không chỉ giáo viên, phụ huynh mà trẻ em và cộng đồng cùng hình thành thói quen tốt, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là bước chuẩn bị cho hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP.
Tiếp tục nhân rộng
Với mục tiêu giúp học sinh hình thành thói quen phân loại và thu gom vỏ hộp sữa sau khi uống, sau hơn 8 tháng triển khai chương trình, học sinh trên địa bàn TP đã có ý thức trong việc thu gom và phân loại vỏ hộp sữa. Các em đã biết cách xử lý vỏ hộp sữa bằng cách cho ống hút vào trong hộp. Những vỏ hộp sữa này còn được học sinh “làm đẹp” bằng việc dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó được thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về Nhà máy Giấy Đồng Tiến (tỉnh Bình Dương) để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm lợp, tấm phẳng sinh thái...
Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) là một trong hơn 800 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Thủ đô tham gia chương trình. Ngay sau khi chương trình được phát động, học sinh của trường đều tham gia hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi. Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thịnh Liệt Trần Thị Ánh Tuyết cho biết: “Để chương trình đạt hiệu quả, nhà trường chú trọng hướng dẫn các em xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống. Sau một thời gian thực hành liên tục, các em đã tự giác gấp vỏ hộp sữa và để vào nơi thu gom mà không cần sự giám sát của thầy cô. Từ đó đã hình thành cho các em một thói quen bảo vệ môi trường”.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, chương trình thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại các trường những ngày đầu mặc dù gặp khó khăn nhưng đã đạt được hiệu quả tích cực. "Trên địa bàn quận, 72 trường mầm non và tiểu học công lập đều tham gia tích cực chương trình. Bên cạnh đó, quận đã tổ chức hội nghị thông tin và tập huấn phương thức triển khai đến các trường về việc phân loại vỏ hộp sữa. Thiết lập hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc phân loại và thu gom vỏ hộp sữa giấy sau khi sử dụng tại các trường. Đặc biệt, các trường học tham gia chương trình được hỗ trợ miếng dán sinh thái, thùng/túi lưu trữ, các tài liệu truyền thông…" - bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.
Để ý nghĩa của chương trình ngày càng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và vỏ hộp sữa nói riêng, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp rác cho TP, Sở TN&MT Hà Nội đề xuất tiếp tục triển khai mở rộng chương trình trong những năm tới. Trong đó quan tâm tới các khu dân cư, công ty, khu cụm công nghiệp nơi có lượng tiêu thụ vỏ hộp sữa lớn.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa trong trường học sẽ tiếp tục được triển khai, mở rộng tại 30 quận, huyện, thị xã tại hơn 1.600 trường mầm non và trường tiểu học (duy trì 803 trường đã thực hiện trong năm học 2019 - 2020 và mở rộng thêm 800 trường trong năm học 2020 - 2021). |