Những tín hiệu vui
Như đã biết, từ cuối năm 2020, TP Hà Nội đã quyết định giao quyền đấu thầu công tác thu gom, duy trì VSMT cho các quận, huyện, thị xã trực tiếp thực hiện. Nhờ đó, đến năm 2021, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP nói chung và các huyện ngoại thành đã có những chuyển biến tích cực, được Nhân dân, dư luận đánh giá cao.
Đơn cử tại huyện Mỹ Đức, nếu như trước đây trong giai đoạn 2017 – 2020, tình trạng rác thải tồn đọng trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường liên thôn, liên xã, khu nội đồng… là một câu chuyện “bình thường ở huyện” thì nay mọi chuyện đã thay đổi rõ rệt. Ông Phạm Văn Bình, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức cho biết, bắt đầu từ năm 2021 khi công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) được giao quản lý địa bàn tình trạng rác thải tập kết sai quy định, lưu cữu từ ngày này sang ngày khác gây mất VSMT đã được xử lý, đường sá trở lên phong quang, sạch sẽ người dân rất phấn khởi.
Lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Đầu tư Xây dựng huyện Mỹ Đức cho biết, sau khi TP giao quyền đấu thầu, lựa chọn đơn vị thu gom xử lý rác thải sinh hoạt về cho huyện, đơn vị đã tiến hành rà soát lượng rác thải hiện tại và dự kiến khối lượng phát sinh trong như năm tiếp theo để đưa ra những điều chỉnh phù hợp cho bài thầu. Từ đó, huyện Mỹ Đức đã tăng khối lượng dự thầu thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ 50 tấn lên 80 tấn/ngày; tăng tần suất thu gom đối với các xã là 3 lần/tuần và tại thị trấn là thu gom hàng ngày…
Bên cạnh đó, ngay từ khi tiếp quản địa bàn – Công ty Urenco đã khẩn trương bắt tay ngay vào việc, bố trí lực lượng, máy móc… để thực hiện các mục tiêu của gói thầu đề ra. Nhờ đó, công tác đảm bảo VSMT trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào nền nếp.
Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, ông Phạm Thiện Lộc – Giám đốc HTX Thành Công cho biết, ngay từ đầu gói thầu, được sự quan tâm của BQL Dự án Đầu tư xây dựng, UBND huyện Hoài Đức… đơn vị đã nhanh chóng tiếp cận công việc, phân công lực lượng phụ trách công tác duy trì VSMT tại từng khu vực, địa bàn trên địa bàn huyện. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã vận động người dân tham gia, duy trì có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh ngày cuối tuần… từ đó, công tác đảm bảo VSMT trên địa ban huyện cũng từng bước được cải thiện, xóa dần những “điểm đen” về rác thải…
Gồng mình vượt qua đại dịch
Thế nhưng "niềm vui lớn chẳng tày gang", dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều đơn vị, DN trên địa bàn TP nói riêng và cả nước nói chung, nhất là các đơn vị thu gom rác thải phụ trách các địa bàn ngoại thành – nơi đất rộng người thưa, tỷ lệ biến động dân cư cao.
Dẫn chứng về việc này, ông Vũ Công Minh – Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai – đơn vị phụ trách duy trì VSMT trên địa bàn 2 huyện Quốc Oai và Thạch Thất chia sẻ, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với các DN là việc triển khai thu phí dịch vụ VSMT đối với các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Theo lý giải của ông Minh, nếu như ở các quận nội thành, công tác thu phí VSMT sẽ được thực hiện thường xuyên, song tại các huyện ngoại thành do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt… nên việc thu phí phải thực hiện theo quý hoặc 6 tháng một lần.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là 2 tháng trở lại đây, công tác thu phí VSMT của đơn vị tại 2 địa bàn này mới đạt khoảng 15% so với kế hoạch đề ra. Dịch Covid-19 khiến DN không thể tổ chức thu phí, trong khi đó các chi phí duy trì hoạt động vẫn phải thực hiện thường xuyên, thậm chí phát sinh thêm chi phí mua sắm các trang thiết bị bảo hộ, phòng, chống dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động… khiến hoạt động của các DN gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện tại đơn vị đã phải cầm cố, thế chấp máy móc, phương tiện vay tiền ngân hàng để duy trì hoạt động đảm bảo công tác thu gom, duy trì VSMT và đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động” – ông Vũ Công Minh chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Toàn – Phó Giám đốc Chi nhánh Urenco Hai Bà Trưng – đơn vị phụ trách duy trì VSMT trên địa bàn huyện Thanh Oai cho biết, trong công tác thu giá VSMT hiện nay còn khoảng cách lớn giữa số liệu mà BQL Dự án Đầu tư Xây dựng quận cung cấp và con số thực tế tại các thôn xóm.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thiện Lộc – Giám đốc HTX Thanh Công chia sẻ, hiện tỷ lệ thu phí VSMT ở các quận, huyện đơn vị phụ trách đạt được từ 80 – 85%, số còn lại không thu được vì một số nằm ngoài đê (huyện Hoài Đức) sản xuất nông nghiệp không phát sinh rác thải. Thêm vào đó là biến động dân cư, người dân ở địa bàn đi nơi khác làm việc ít về nhà và một số người dân khác về Hoài Đức làm việc, thuê trọ nhưng chủ trọ không thông báo, kê khai khiến việc thu phí VSMT gặp rất nhiều khó khăn…
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, thông thường, nguồn kinh phí từ việc thu giá VSMT đối với người dân, cơ sở kinh doanh sẽ chiếm khoảng 1/3 giá trị gói thầu. Do đó, việc thu phí VSMT hiệu quả, sát với thực tế sẽ giảm áp lực cho nguồn ngân sách địa phường, đảm bảo hoạt động của các DN.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát, việc thu phí VSMT bị gián đoạn, thậm chí mất nguồn thu (cơ sở sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh), chính quyền các địa phương cần tính toán lại khoản thu này cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, xem xét giao cho chính quyền địa phương, thôn, xã… rà soát danh sách người dân đang sinh sống thường xuyên trên địa bàn để việc tổ chức thu phí VSMT sát với thực tế, tránh tình trạng giao 10 nhưng chỉ thu được 7, 8… để tạo thuận lợi cho các DN đảm hoạt động, duy trì sản xuất.
"Hiện nay, trong quá trình đi thu phí VSMT một số trường hợp đi làm, học tập ở xa, không thường xuyên ở địa phương nên việc thu phí không thể thực hiện được, khiến việc thu phí không đảm bảo, ảnh hướng đến việc duy trì, chi trả tiền cho nhân công làm nhiệm vụ tại các ngõ, xóm." - Phó Giám đốc Chi nhánh Urenco Hai Bà Trưng Nguyễn Sỹ Toàn |