Kinhtedothi - Sáng nay 10/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo của cơ quan thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án luật này. Một trong những điểm quan trọng của dự thảo Luật lần này là quy định rõ về ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo dự thảo Luật, các hoạt động cấm đầu tư kinh doanh gồm 6 ngành nghề: Kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (CITES) và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Còn ngành, nghề đầu tư kinh doanh, theo dự thảo Luật là có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người; quốc phòng, an ninh; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; bảo vệ môi trường. Trong đó, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 272 ngành nghề kinh doanh, điển hình như: Kinh doanh casino, xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, kinh doanh dịch vụ xoa bóp...
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trên cơ sở đó, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng: (1) Bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết; (2) Cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này; (3) Xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành nghề theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.
Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật (bãi bỏ 36 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ trùng lặp giữa 3 Danh mục; bãi bỏ 9 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ và chuyển sang quy định các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ này) và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật). Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được quy định của Chính phủ.
Cho ý kiến về dự án Luật, nhiều ĐBQH nhất trí cao với danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (ĐTKD). ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ghi nhận, danh mục đã được xử lý gọn gàng, hợp lý; nâng cao tính minh bạch. Tuy nhiên, trong số những dự án phải “lọc” cần bổ sung loại dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, những dự án sử dụng nhiều nguồn lực quan trọng... phải xin chấp nhận chủ trương đầu tư. Đồng thời, cần minh bạch hóa những tiêu chí cụ thể để thẩm định các dự án loại này. “Nếu không, chính sự không minh bạch về tiêu chí sẽ triệt tiêu sự minh bạch, đơn giản của thủ tục đầu tư”, ĐB nêu quan điểm.
Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, một số ý kiến đề nghị chuẩn hóa thủ tục và nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Có ý kiến đề nghị bỏ yêu cầu thực hiện thủ tục này đối với dự án đầu tư trong nước. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định về thông báo đầu tư tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vì thủ tục này không rõ mục đích và giá trị pháp lý.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước như quy định tại Điều 36 của dự thảo Luật và lồng ghép trình tự, thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để tạo bước chuyển biến mới trong cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư. Trường hợp có dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại các điều 30, 31 và 32 của dự thảo Luật thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi đầu tư. Trường hợp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, thay thủ tục thông báo đầu tư bằng thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 38 của dự thảo Luật theo hướng đơn giản hóa cả về hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện: Từ khoảng 45 ngày như hiện nay xuống còn 15 ngày.