Thu hồi trái phiếu doanh nghiệp vi phạm: Đòi được vạ thì má đã sưng

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt DN bị bêu tên và xử phạt trong đợt cao điểm kiểm tra “bom nổ chậm” trái phiếu DN (TPDN) của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) như Apec Group, VsetGroup, VISecurities...

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu một số cái tên quen mặt “mua chui, bán chui”, thu lợi bất chính trên thị trường tài chính. Mối lợi từ các hành vi vi phạm pháp luật vượt xa mức xử phạt là một trong những nguyên nhân khiến DN nhờn luật. Chờ đợi sự mạnh tay hơn từ cơ quan quản lý.
“Ngựa quen đường cũ”

Kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số DN phát hành và công ty chứng khoán của Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 DN phát hành và 1 công ty chứng khoán. Ba công ty này là Công ty Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISecurities), Công ty CP Tập đoàn VsetGroup và Công ty CP Apec Group. Mức xử phạt cụ thể: VsetGroup và Apec Group mỗi bên bị phạt 600 triệu đồng do chào bán TPDN thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCK.
Công ty CP Apec Group - DN vi phạm phát hành trái phiếu DN vừa bị xử phạt, cũng là cái tên quen thuộc với các vi phạm trên thị trường tài chính. Ảnh: Nha Trang
Với riêng Apec Group, vòng tròn “lột xác”, “biến hóa” và sử dụng các công cụ tài chính sai quy định thu lợi bất chính không phải lần đầu. Trước khi đổi tên thành Apec Group, DN này cũng từng nhiều lần bị UBCK “thổi còi” vi phạm. Ngày 25/11/2021, UBCK ban hành Quyết định số 806/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư BG Group (nay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn APEC Group), địa chỉ trụ sở chính: Tầng 3, Trung tâm thương mại Grand Plaza (117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo đó, DN này đã có các hành vi vi phạm hành chính: Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty CP Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam Nguyễn Hoàng Linh (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo UBCK, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch.

Trước đó không lâu, ngày 12/4/2021, Thanh tra UBCK đã xử phạt hành chính ông Nguyễn Hoàng Linh số tiền 27,5 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch. Tiếp theo đó, ngày 28/10/2021, UBCK đã có quyết định xử phạt đối với bà Đặng Thanh Tú - vợ ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cùng nội dung vi phạm quy định về công bố thông tin cổ phiếu IDJ số tiền xử phạt 15 triệu đồng. Theo tìm hiểu, JDJ và Apec Group có liên quan mật thiết với nhau. Số liệu cập nhật đến ngày 30/6/2021, cổ đông lớn nhất của IDJ là Công ty CP Tập đoàn Apec Group với tỷ lệ sở hữu là 12,04%. Tiếp đến là Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (năm 6.30%) và Công ty CP Đầu tư APEC Holding (nắm 5,92%).

Theo luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN nói riêng, các biện pháp xử phạt còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe.
“Giá trị thu lợi từ các vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt. Vì thế, có tình trạng nhiều DN mua chui, bán chui, “lùa gà” hết lần này đến lần khác, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, bất chấp những bức xúc của nhà đầu tư”- ông Phong nhấn mạnh.

Một thực tế khác được ông Phong nêu ra là thời gian qua, cơ quan Nhà nước chưa làm nghiêm, đặc biệt không áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung bắt buộc khắc phục hậu quả, dẫn đến nhiều DN cố tình làm ngơ.

Yêu cầu DN thu hồi trái phiếu vi phạm có dễ?

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, UBCK cũng yêu cầu DN phải thu hồi toàn bộ trái phiếu đã phát hành. Các chuyên gia hoan nghênh động thái này của UBCK, vì chỉ có cách bắt buộc khắc phục hậu quả, thu hồi và làm mất lợi ích của các hành vi trái phép thì mới khiến DN chùn chân. Chuyên gia khuyến cáo, ngoài trả lại tiền cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính, UBCK và các cơ quan liên quan cần yêu cầu DN bồi thường thêm cho nhà đầu tư. “Nếu thực hiện nghiêm việc này thì không có DN nào dám làm trái pháp luật cả. Còn phạt tiền, xử lý hành chính theo kiểu “nước đổ đầu vịt” thì vi phạm vẫn hoàn vi phạm”- một chuyên gia nhấn mạnh.

Mặt khác, bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước cần nói đi đôi với làm. Ví dụ, yêu cầu thu hồi TPDN đã phát hành, tuy nhiên, DN có thu hồi hay không, quyền lợi nhà đầu tư có được đảm bảo hay không, thì cần sự giám sát mạnh tay và trách nhiệm.
 Theo Luật sư Hà Huy Phong, nếu DN chây ỳ trong việc thực hiện quyết định thu hồi các lô trái phiếu phát hành sai quy định thì cơ quan chức năng phải có động thái cưỡng chế DN thực hiện trách nhiệm theo quy định.
Luật sư Hà Huy Phong đưa ra 2 phương án về việc nhà đầu tư có dễ “trả lại” TPDN đã mua. Đó là DN phát hành trái phiếu nhưng dòng tiền chưa sử dụng, họ sẽ trả lại nhà đầu tư. Nếu đã sử dụng thì buộc huy động nguồn khác để trả lại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đòi được vạ thì má có sưng? Giải pháp mà luật sư Hà Huy Phong đưa ra là cơ quan Nhà nước và chính quyền phải có động thái cưỡng chế DN thực hiện trách nhiệm theo quyết định của UBCK. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì nhà đầu tư buộc phải sử dụng các biện pháp dân sự, gồm khởi kiện DN ra tòa, yêu cầu trả lại tiền.

Phía Bộ Tài chính thừa nhận, việc phát hành TPDN, đặc biệt là TPDN không có tài sản đảm bảo có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. Bộ này yêu cầu UBCK với các trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các DN phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.

Theo báo cáo Thị trường TPDN mới phát hành của Công ty Chứng khoán SSI, trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các DN này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi vào năm 2023 - 2024.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các DN này, khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.

Cụ thể, thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.

Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của DN. Ngoài ra, tình trạng sẽ ngày càng tệ hơn khi nhiều trường hợp DN phải phát hành thêm TPDN để có thể thanh toán nợ gốc và lãi của các khoản TPDN cũ trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần