Thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp kết nối với DN thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến tại vùng nguyên liệu, nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch và tránh rủi ro thị trường.

Hơn 120 triệu tấn nông sản được chế biến mỗi năm

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là tổ hợp chế biến sâu có tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, gồm 3 dây chuyền có thiết bị và công nghệ hiện đại: Chế biến nước quả cô đặc công suất 20.000 tấn/năm, chế biến rau quả đông lạnh công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm và chế biến rau quả rau đồ hộp công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm.

Sơ chế dứa tại nhà máy chế biến của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao
Sơ chế dứa tại nhà máy chế biến của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Cao Khuê cho biết, trên mỗi dây chuyền sản xuất có thể đồng thời chế biến được đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Sơn La. Dự án đi vào hoạt động đảm bảo tiêu thụ hơn 500.000 tấn rau quả các loại (xoài, chanh leo, bơ…) mỗi năm trên địa bàn tỉnh.

Tại Hà Nội, thời gian gần đây, nhiều DN đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để giảm tổn thất cho các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hợp tác xã trong vai trò là cầu nối giữa DN chế biến với hộ nông dân, tạo thành chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá về thực trạng chế biến nông sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 DN có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nông sản mỗi năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện chưa tương xứng với tiềm năng; công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chỉ đạt mức trung bình. Mặt khác, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10 - 40% tùy ngành hàng), sản phẩm chế biến chưa phong phú.

Tạo cơ chế thu hút DN

Khuyến nghị về giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, các địa phương cần tăng cường xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Dây chuyền giết mổ gia cầm công nghiệp tại Công ty CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh
Dây chuyền giết mổ gia cầm công nghiệp tại Công ty CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh

Từ đó, nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng. Cùng với đó là tạo cơ chế, chính sách thu hút DN có năng lực về nguồn vốn, công nghệ đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, TP Hà Nội đang triển khai cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung, cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

 

Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình khoa học, công nghệ phục vụ chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông sản chế biến, nâng tầm giá trị sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Đưa ra giải pháp về cơ chế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng dần tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô.

Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm. Đồng thời, tập trung phát triển các DN, hợp tác xã bảo quản, chế biến nông sản.

Song song đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp nghiên cứu, xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản. Tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực chế biến nông sản, đặc biệt đối với cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các hợp tác xã chế biến nông sản.