Hiện thực hoá FDI chất lượng cao
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dù con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.
Từ khi Việt Nam thay đổi toàn diện chính sách chống dịch, những cơ hội lớn trong thu hút nguồn vốn FDI đã mở ra. Từ quan điểm "Zero Covid-19" sang "sống chung an toàn với dịch", Việt Nam cho thấy hướng đi phù hợp, khi nền kinh tế tiếp tục khởi sắc. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển. Dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành công nghiệp điện tử-một ngành có vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đang không ngừng phát triển.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vị thế của đất nước trong thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng của Việt Nam đang liên tục phát triển và trở thành lựa chọn ưu tiên cho sản xuất trong khu vực.
Hai tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Một số dự án đầu tư lớn trong 2 tháng qua: Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An; Dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ. Vừa qua, Hải Dương tiếp tục “mở hàng” với biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Công viên Dược phẩm có trị giá hơn 10 tỷ USD.
Ngoài ra, trong năm 2022, một số dự án lớn của nước ngoài cũng có thể sẽ sớm được triển khai tại Việt Nam như: Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty Ecologic Engineering (Ấn Độ) đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp và đổi mới sáng tạo với tổng vốn đầu tư đến 4 tỷ USD; Dự án khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Đại An - Nhật Bản (đang chờ phê duyệt cuối cùng của UBND tỉnh Hải Dương để triển khai).
Dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hòa Thành thuộc khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD của các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã được ký kết. Dự án của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi với giải pháp sử dụng nguyên liệu bền vững thay cho nguyên liệu từ dầu mỏ vào nửa cuối năm 2022.
“Các sản phẩm “Made in Vietnam” đang chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường quốc tế và Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới”- hãng thông tấn Sputnik của Nga đánh giá. Theo báo The Guardian (Anh), hiện nay Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á.
Việt Nam sản xuất hàng hóa cho một số thương hiệu lớn nhất của phương Tây về công nghệ, hàng may mặc và đồ thể thao. Vừa qua, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chính của giày thể thao Nike (Mỹ). Báo cáo tài chính của Hãng Nike cho thấy năm 2021, 51% số giày thể thao của hãng được sản xuất tại Việt Nam, trong khi tỉ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 21%.
Bài phân tích trên trang Koreaherald của Hàn Quốc mới đây khẳng định Việt Nam là cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung Electronics. Nếu như trước đây Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược" - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết.
Không chỉ Samsung, Nike hay Intel, mà gần đây, hàng loạt dự án sản xuất của các tập đoàn lớn như Foxconn, Pegatron Lego… xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều. Mới đây, Panasonic đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt tại Thái Lan sang Việt Nam. Trong khi đó, các đơn vị đã hiện diện lâu năm cũng đều lên kế hoạch mở rộng sản xuất.
Căng thẳng Nga – Ukraine có ảnh hưởng đến luồng vốn FDI?
Dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng nhiều quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ rất kịp thời tạo dựng tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững vàng bước vào năm 2022. Những tín hiệu mở cửa cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong gian đoạn bình thường mới hậu Covid-19.
Tin vào triển vọng thu hút FDI của Việt Nam, GS, TS Nguyễn Mại đánh giá, kinh tế Việt Nam cũng đang phục hồi, bắt đầu từ quý IV/2021. Rất nhiều FTA của Việt Nam với các đối tác cũng đã được ký kết, mang lại các cơ hội lớn. Đặc biệt, nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các khoản đầu tư của ba nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore dự kiến sẽ tăng lên.
Trong 2 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD…
Trước căng thẳng xung đột Nga – Ukraine có ảnh hưởng đến luồng vốn FDI hay không, nhiều chuyên gia cho rằng, tác động là rất thấp. Bởi giao thương giữa Việt Nam với Ukraine và Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021. Về đầu tư, hiện số dự án Nga đầu tư vào Việt Nam là khoảng 150 dự án.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng. Hiện tại, trong quan hệ thương mại giữa hai nước xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác mới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực thông tin, vật liệu xây dựng mới.
Trong khi đó, về phía Ukraine, nước này đang có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD, đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam.
Tuy vậy, căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nguy cơ lạm phát đang dần hiển hiện.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản.
“Tuy nhiên, đây là cơ hội đầu tư rất tốt. Nhìn rộng hơn, chúng ta còn được hưởng lợi từ việc EU có thể dời hoạt động kinh doanh đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Nên sau câu chuyện này có thể dẫn đến 1 điểm xoay chuyển gia tăng đầu tư FDI vào khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á" - ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập của FIDT nhấn mạnh.