Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu ngân sách bứt tốc

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đã bứt tốc về đích sớm. Dự kiến, số thu đạt hơn 1.400.000 tỷ đồng, ước vượt dự toán 4 - 5%. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các thành phần kinh tế và các bộ, ngành trong việc tích cực đề xuất, tham mưu và triển khai các giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước chặt chẽ, linh hoạt, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho DN, người dân khó khăn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Để đạt được kết quả tích cực này, trước hết phải nói đến nỗ lực của người dân và DN trong cố gắng trụ vững, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội thế giới có nhiều biến động phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất - kinh doanh và thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Làn sóng Covid-19 thứ 4 đã quật ngã hàng loạt DN. Tuy nhiên, trong “cơn bão” lớn ấy, vẫn có những điểm sáng rực rỡ. Hàng loạt cái tên như Viettel, Hòa Phát, Techcombank, Honda Việt Nam… vẫn miệt mài phát triển và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng, đó là các chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời người nộp thuế trong bối cảnh khó khăn. Đó là Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15… và hàng loạt các Nghị định, Thông tư thiết thực hỗ trợ người dân, DN. Số tiền khoảng 140.000 tỷ đồng từ thực hiện các chính sách nêu trên đã kịp thời góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh thu ngân sách, năm 2021, hàng loạt quy định tiết kiệm chi, cân đối nguồn cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã phát huy hiệu quả. Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2020 để mua vaccine; bổ sung 14.620 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách T.Ư vào dự phòng ngân sách T.Ư để chi cho phòng, chống dịch.

Năm 2022, dự báo, công tác cân đối tài chính, thu - chi ngân sách sẽ tiếp tục gặp khó trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với hàng loạt chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, cùng DN, người nộp thuế đi qua khó khăn, “bầu sữa” ngân sách hy vọng vẫn sẽ tiếp tục khả quan, đáp ứng các nhiệm vụ chi cần thiết. Muốn làm được như vậy, cần hơn nữa sự quyết liệt, lắng nghe và cùng chung tay chia sẻ khó khăn của toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực của người dân, DN kiên cường và bản lĩnh vượt bão Covid-19.