Thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội: Duy trì đà tăng trưởng

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đã tăng gấp 3 lần, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

10 năm, tăng gấp 3 lần

Từ năm 2008, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng giai đoạn có nhiều biến động, chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới từ những năm 2007. Cũng trong giai đoạn này, Nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách mới (Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN…) và sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế (GTGT, TTĐB, TNDN...); Chính sách ưu đãi giảm, gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, Quyết định số 12 của Thủ tưởng Chính phủ... Ngoài ra, từ năm 2018, một số sắc thuế xuất nhập khẩu về 0% theo các cam kết FTA. Những thay đổi này đã tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách và công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Khắc phục mọi khó khăn, số thu ngân sách thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2008 - 2017 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân hàng năm tăng 12,69%/năm. Năm 2017 thu ngân sách ước thực hiện 212.276 tỷ đồng gấp 2,93 lần năm 2008.
 Hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 ước thực hiện chi ngân sách gấp 3,6 lần so với năm 2008. Tỷ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản bình quân đạt 45,5% trong tổng chi ngân sách. Cân đối ngân sách luôn đảm bảo theo dự toán T.Ư và HĐND TP giao, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Những năm vừa qua, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn như Cục Thuế Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tập trung khai thác các nguồn thu trên địa bàn, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách. Ngay thời gian trước và sau khi mở rộng, việc rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đã ban hành của TP Hà Nội, các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình mở rộng được Cục thực hiện khẩn trương.

“Với ngành hải quan, tạo thuận lợi cho DN là nhiệm vụ mà Cục Hải quan TP Hà Nội liên tục quán triệt với cán bộ, công chức. Đó không chỉ là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, của lãnh đạo Cục hay lãnh đạo các phòng, ban, chi cục mà là trách nhiệm của cả hệ thống, từ người đứng đầu đến bộ phận thừa hành”. - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Văn Trường


Năm 2008, số thu nội địa qua Cục Thuế TP Hà Nội ở mức 57,5 nghìn tỷ đồng, đạt 110% dự toán được giao. Năm 2017, thu NSNN Hà Nội qua Cục Thuế tăng gần 3,4 lần lên mức 193,8 nghìn tỷ đồng, đạt 103% dự toán.

Tính đến tháng 6/2018, tổng thu ngân sách 6 tháng thực hiện 110.150 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán pháp lệnh, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Cả năm 2018, dự toán thu NSNN Cục Thuế TP Hà Nội được Bộ Tài chính, HĐND, UBND TP Hà Nội giao là 218.270 tỷ đồng, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2017.

Số thu thuế XNK qua Hải quan Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 9.978 tỷ đồng, trong đó thu thuế khu vực Hà Nội đạt 7.520 tỷ đồng.

Trên các địa bàn, các cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND, các chính sách liên quan đến đất đai... không đồng bộ, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo UBND TP triển khai thực hiện đảm bảo không xáo trộn trong quản lý điều hành trong thời gian đầu Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Cục cũng đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách báo cáo UBND TP trình HĐND TP để triển khai thực hiện thống nhất trên toàn địa bàn từ năm 2009 và đã được HĐND TP thông qua.

Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Một trong những nguồn thu chủ yếu là thu từ khối DN được cơ quan thuế đặc biệt quan tâm nuôi dưỡng. Nhiều giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN được cơ quan thuế triển khai thông qua các buổi đối thoại trực tiếp và gián tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Đơn cử, giai đoạn đầu mở rộng, Cục Thuế đã báo cáo các cơ quan cấp trên về việc tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh tại các cụm, khu công nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) về việc khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất phải nộp. Môi trường đầu tư cũng được cải thiện mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững.

Về công tác tuyên truyền, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, ngành thuế Hà Nội đã nỗ lực phát huy tối đa hiệu quả trên các kênh tuyên truyền, không chỉ trên các phương tiện thông tin, đại chúng như báo, đài phát thanh, đài truyền hình mà còn được tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú.

Tương tự, với ngành hải quan, tính đến tháng 7/2018, Cục Hải quan Hà Nội đã tổ chức được 134 đoàn đi tiếp xúc trực tiếp với DN và có 418 DN mới đã về làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Hà Nội. Trong đó, ở cấp Tổng cục, trực tiếp Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đã chủ trì một đoàn làm việc với DN; ở cấp Cục, đã có 20 đoàn do các phó cục trưởng phụ trách theo địa bàn chủ trì và cấp Chi cục đã tổ chức đi tiếp xúc với 113 DN có số thu nộp NSNN lớn nhất năm 2017 tại địa bàn Hà Nội. Với những nỗ lực cải cách, đồng hành cùng DN, 6 tháng đầu năm Hải quan Hà Nội đã làm thủ tục cho 565.835 tờ khai, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,82 tỷ USD (bằng 101,8% cùng kỳ năm 2017).

Thêm nhiều giải pháp tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ khõ khăn và nặng nề, ngay từ đầu năm, đầu tháng, đầu quý, các cơ quan thu ngân sách như: Cục Thuế Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng, Ban, Chi cục... quyết liệt, triển khai hiệu quả các giải pháp, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách đã được Bộ Tài chính, HĐND, UBND TP Hà Nội giao.

Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội cũng như Cục Hải quan Hà Nội quán triệt chủ trương xuyên suốt là tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để người nộp thuế tiếp tục duy trì, ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. “Chúng tôi luôn yêu cầu các cán bộ, công chức chủ động bám sát địa bàn và DN, xây dựng cơ chế thu thập thông tin, tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của DN và người dân về chính sách, thủ tục hành chính thuế. Xác định cải cách hành chính thuế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá; Lấy sự hài lòng của người nộp thuế, của Nhân dân là mục tiêu chính để cải cách thủ tục hành chính; Chuyển hành chính quản lý thuế sang hành chính phục vụ một cách thực chất” - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho hay.

Phía Hải quan Hà Nội cũng khẳng định, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi cho DN, thường xuyên phổ biến quy định, chính sách mới, trực tiếp làm việc với các DN lớn để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của DN, cũng như xử lý vấn đề phát sinh tạo thuận lợi cho DN trong sản xuất, kinh doanh; qua đó, thu hút DN có địa điểm, cơ sở sản xuất trên địa bàn về làm thủ tục, góp phần tăng thu NSNN…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần