Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu nhập eo hẹp, người lao động mong có giải pháp bình ổn giá

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phát biểu tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội đề xuất Chính phủ có giải pháp bình ổn giá để người lao động đảm bảo chi tiêu, sinh hoạt.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh bày tỏ: Lực lượng lao động sản xuất trực tiếp là nhóm yếu thế hơn so với các lực lượng đoàn viên Công đoàn khác và rất nhạy cảm trước sự biến động của giá cả tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh bày tỏ: Lực lượng lao động sản xuất trực tiếp là nhóm yếu thế hơn so với các lực lượng đoàn viên Công đoàn khác và rất nhạy cảm trước sự biến động của giá cả tiêu dùng.

Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mong muốn của Chính phủ và Công đoàn Việt Nam là làm sao để phục vụ công nhân lao động ngày càng tốt hơn, để hoạt động của Công đoàn ngày càng có hiệu quả thiết thực, với mục tiêu quan trọng là nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động.

Thủ tướng Chính phủ gợi ý nhiệm vụ quan trọng trong công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2023 là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, khắc phục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, gắn với đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, đối với công nhân lao động, có an cư mới lạc nghiệp. Vì vậy, cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Cùng với đó, bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động...

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Hải Nguyễn)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Hải Nguyễn)

Tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã báo cáo về những kết quả công tác Công tác chăm lo Tết và tình hình công nhân viên chức lao động trên địa bàn dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão và tháng 1/ 2023.

Theo đó, để thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức lao động, với phương châm đảm bảo cho mọi công nhân lao động đều có Tết, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hà Nội đã sớm ban hành các kế hoạch cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Công đoàn TP tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách; tổ chức các chuyến xe đưa công nhân lao động về quê đón Tết; tổ chức bán hàng bình ổn giá; khám chữa bệnh miễn phí cho công nhân lao động...

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các cấp Công đoàn đã chi trên 144 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động thông qua nhiều hoạt động. Trong đó, LĐLĐ TP Hà Nội và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã dành nguồn kinh phí hơn 74 tỷ đồng, chi hỗ trợ cho gần 90 ngàn đoàn viên, người lao động khó khăn.

Bên cạnh đó, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho người lao động với mức cao hơn năm 2022.

Qua nắm bắt tình hình, tư tưởng công nhân lao động trên địa bàn TP trong những ngày đón Xuân Quý Mão ổn định, vui mừng phấn khởi, an toàn và tiết kiệm. Dư luận công nhân viên chức lao động đánh giá cao sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức Công đoàn đã quan tâm hỗ trợ, động viên, thăm hỏi kịp thời những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.

Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Quang Thanh cho biết, sự quan tâm, chăm lo chu đáo của TP, các cấp ngành, đặc biệt của tổ chức Công đoàn là lý do quan trọng để công nhân lao động an tâm, tin tưởng, quay trở lại xưởng sản xuất đúng thời hạn quy định. Tính đến ngày 30/1 (mùng 9 tháng Giêng năm Quý Mão), có 99,2% doanh nghiệp tại Hà Nội đã "mở xưởng" để sản xuất. riêng ngành Dệt may thấp hơn do thiếu đơn hàng.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp Công đoàn trên địa bàn Hà Nội đã chi trên 144 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp Công đoàn trên địa bàn Hà Nội đã chi trên 144 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động

"Hiện LĐLĐ TP Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam" - ông Phạm Quang Thanh thông tin.

Đề cập đến tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, mong muốn của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đó là được đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập, đời sống. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, Chủ tịch LĐLĐ TP kiến nghị Chính phủ và các cấp, ngành có những giải pháp kịp thời, thiết thực để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất nhằm duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, Chủ tịch LĐLĐ TP bày tỏ: Đối với lực lượng lao động sản xuất trực tiếp vốn là nhóm yếu thế hơn so với các lực lượng đoàn viên Công đoàn khác và rất nhạy cảm trước sự biến động của giá cả tiêu dùng nên đối với họ, vấn đề bình ổn giá cũng có ý nghĩa quan trọng. Khi thu nhập chưa cao, phúc lợi không tăng, người lao động rất mong muốn Chính phủ quan tâm có giải pháp giữ bình ổn giá để người lao động có thể đảm bảo chi tiêu, sinh hoạt trong điều kiện thu nhập còn hạn hẹp.

Công tác chăm lo đời sống cho công nhân, viên chức, người lao động được Công đoàn TP Hà Nội tổ chức thông qua nhiều hoạt động
Công tác chăm lo đời sống cho công nhân, viên chức, người lao động được Công đoàn TP Hà Nội tổ chức thông qua nhiều hoạt động

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2023 Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng của người lao động.

Các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng LĐLĐ và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động-nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần...