Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu nhập khá nhờ được đào tạo nghề

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do các nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động, số học viên sau khi tốt nghiệp khóa học đã phát huy và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động sản xuất đã giúp tăng thu nhập, đời sống được nâng cao.

Chị Đàm Thị Hợi - chủ xưởng may đang hướng dẫn công nhân may hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Trần Oanh
92% học viên làm đúng nghề đào tạo
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại huyện Phúc Thọ được gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của TP Hà Nội về công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ông Hà Văn Tính – Trưởng phòng LĐTB&XH Phúc Thọ cho hay: Trước khi triển khai công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho LĐNT, huyện tổ chức hội nghị để quán triệt, giao ban đến các ban, ngành, đoàn thể, trưởng ban chỉ đạo, cán bộ LĐTB&XH các xã, thị trấn và cơ sở giáo dục nghề nghiệp về kế hoạch thực hiện trong năm 2019. Đồng thời, huyện giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT đến 23 xã, thị trấn, trong đó ưu tiên các xã xây dựng nông thôn mới.

Trước khi tổ chức lớp học, các xã, thị trấn tổ chức đi điều tra, khảo sát 37.973 hộ dân và đã có 3.256 người có nhu cầu học nghề. Trong năm 2019, huyện Phúc Thọ mở được 30 lớp nghề trình độ sơ cấp cho 1.044 LĐNT. Trong đó có 344 lao động học nghề nông nghiệp và 700 lao động nghề phi nông nghiệp. Các học viên học nghề phi nông nghiệp gồm có May công nghiệp, Mộc dân dụng; nghề nông nghiệp có Trồng cây ăn quả, Kỹ thuật trồng hoa, Chăn nuôi thú y, Trồng rau hữu cơ, rau an toàn. Trong quá trình tổ chức các lớp học nghề, ngoài việc kiểm tra thường xuyên, Phòng LĐTB&XH huyện Phúc Thọ phân công một chuyên viên phối hợp với Phòng Kinh tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra việc tổ chức dạy và học. Sau khóa học, đã có 965 người làm đúng với nghề đã được đào tạo, chiếm 92%. Để giúp những học viên học nghề có điều kiện lao động sản xuất, năm 2019 và 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ đã cho 396 người vay 16.739 triệu đồng và hiện tại không có khách nào bị nợ quá hạn.

Làm việc ngay tại thôn, lương 6 triệu đồng/tháng

Chị Đàm Thị Hợi – chủ xưởng may ở cụm 1, thôn 1, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ quản lý gần 20 công nhân đang miệt mài may lắp ráp thân quần, phấn khởi khoe: “Năm 2019, tôi được học lớp May công nghiệp theo Quyết định 1956 do xã tổ chức. Ngay sau khi kết thúc khóa học, tôi mạnh dạn mở xưởng và nhận những người đã học nghề vào làm. Thu nhập trung bình tháng của mỗi công nhân từ 5 – 6 triệu đồng”. Ông Kiều Văn Viện – Phụ trách Văn phòng Công ty Đào tạo nghề xuất khẩu lao động (Bộ Quốc phòng) – đơn vị phối hợp với huyện Phúc Thọ đào tạo nghề May công nghiệp cho biết: Kết thúc khóa học, các học viên đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ. Những ai có nhu cầu làm việc trong công ty sẽ giới thiệu nhưng đa số thích làm ở xưởng trong thôn để tranh thủ làm cả nông nghiệp.

Đối với nghề nông, đa số các học viên sau khóa học đều biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào ngay trên mảnh ruộng nhà mình. Dẫn khách đi thăm mảnh ruộng trồng rau cải, rau muống xanh tươi, chị Khuất Thị Thúy (thôn Triệu Xuyên 3, xã Long Xuyên) cho hay: “Qua lớp học, chúng tôi biết cách tạo chế phẩm sinh học từ nguyên liệu sẵn có như lá trầu, tỏi, ớt... để trừ sâu, không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ áp dụng cách làm mới, có tháng tôi thu nhập được 5 – 10 triệu đồng/1 sào rau”.

Bà Nguyễn Thị Định - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Long Xuyên khẳng định, việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp các hội viên phụ nữ nắm được những kiến thức cơ bản nghề trồng rau sạch an toàn để áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, thu nhập từ trồng rau theo kỹ thuật mới tăng từ 3 - 4 triệu đồng/1 sào so với cách làm truyền thống. “Hiện nay, xã Long Xuyên có 3 thôn, đặc biệt thôn Triệu Sơn có 80 – 90% hộ trồng rau. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ xã xây dựng thương hiệu cho cây hành lá, từ đó nâng cao giá trị, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống” – bà Nguyễn Thị Định kiến nghị.