Thu nhập khá nhờ “săn” châu chấu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Chỉ kéo dài chừng 2 tháng, nhưng "săn" châu chấu đang trở thành một nghề thời vụ rất “hot”, giúp mang lại thu nhập khá cho một bộ phận người dân.

Cuối tháng 9 nhưng trời vẫn nắng như đổ lửa. Đang là cuối vụ Mùa, bà con nông dân khắp nơi xuống đồng thu hoạch lúa vui như trẩy hội. Trên cánh đồng xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), thấp thoáng bóng dáng những chiếc xe máy. Hai bên lắp hai chiếc bao lưới có đường kính cỡ từ 1,5 - 2m. Chiếc xe chạy từ bờ thửa này sang bờ thửa khác. Tò mò hỏi một người nông dân đang phơi thóc ven đường, chị này cười bảo: Chú ở TP về chơi à? Họ đi bắt châu chấu đấy!

Anh Lê Văn Thắng bên thành quả thu được sau một buổi sáng vất vả. Ảnh: Trọng Tùng

Mặt trời lên giữa đỉnh đầu, mấy người đàn ông tập trung dưới những tán cây xanh ven đường để thu hoạch thành quả. Chúng tôi ngỡ ngàng khi nhận thấy những chiếc bao lưới chứa đầy ắp châu chấu. Lũ châu chấu còn sống, nhảy tứ tung. Anh Lê Văn Thắng ở xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) có một tiệm sửa chữa đồ điện nhỏ ở quê. Vụ Mùa này, nghe theo lời “rủ rê” của bạn bè, anh cũng sắm một bộ đồ để đi “săn” châu chấu. “Đi cho vui, không ngờ sau một buổi mà được hẳn mấy cân” - anh Thắng hào hứng nói. Khác với anh Thắng, khoảng 2 - 3 năm qua, “săn” châu chấu lại là nghề kiếm cơm khá quan trọng của anh Đỗ Văn Thông cùng trú tại xã Lê Thanh. Gạt mồ hôi trên trán, anh Thông cho hay, nghề săn châu chấu thường bắt đầu từ giai đoạn lúa đương thì con gái cho tới thời điểm trước khi được thu hoạch. Mỗi ngày, một người có thể bắt được trung bình từ 8 - 10kg châu chấu. Theo anh Thông, châu chấu được các chủ cửa hàng ăn uống xem là một “đặc sản” và thu mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Hạch toán ra, nếu chịu khó rong ruổi, mỗi ngày một “thợ săn” có thể kiếm được đến nửa triệu đồng. Bên cạnh giá trị kinh tế khá, nghề săn châu chấu ở khía cạnh tích cực còn giúp hạn chế được tác hại của loài vật này đối với cây trồng.
Nghề săn châu chấu không mới, không cần đầu tư quá lớn, nhưng không phải ai cũng làm được. Điều kiện cần nhất có lẽ là chịu khó, bởi đây là một nghề rất vất vả. Anh Thắng bảo: Trời nắng mà không có gió, chạy xe quanh  đồng sau 1 - 2 giờ là mồ hôi nhễ nhại. Mệt lắm! Ấy thế nhưng với một “thợ săn” chuyên nghiệp, việc một ngày phải chạy xe hàng trăm cây số để đến những xứ đồng rộng lớn ở các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, đôi khi vào cả các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình lại là điều hết sức… bình thường. Có lẽ bởi vậy nên “thợ săn” châu chấu hiện chủ yếu là nam giới. Ngoài sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ, nghề săn châu chấu còn rất “hại” xe, nhất là trong bối cảnh đường giao thông nội đồng tại nhiều địa phương chưa được cứng hóa. Một vài “thợ săn” chia sẻ với chúng tôi, sau mỗi vụ mùa, doanh thu từ nghề thời vụ này có thể lên tới 15 - 20 triệu đồng. Một khoản tiền không nhỏ đối với những nông dân quanh năm tất bật với ruộng đồng. Đó chắc hẳn là niềm vui vô bờ của người nông dân vào mùa lúa chín.