HVN quay đầu giảm điểm
Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 8/8, VN-Index tăng 4 điểm (0,32%) lên 1.255 điểm, HNX-Index tăng 1,43 điểm lên 301 điểm và UPCoM-Index tăng 1 điểm lên 92,32 điểm. Thanh khoản trên HOSE tiếp tục duy trì mức cao với giá trị khớp lệnh đạt 15.799 tỷ đồng trong phiên này.
Sự phân hóa mạnh mẽ cũng diễn ra tại các nhóm ngành, song xu hướng tích cực vẫn chiếm ưu thế. Nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm, nhóm dầu khí, thủy sản, vận tải biển, phân bón, thép cũng có diễn biến khá tích cực. Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản gặp áp lực chốt lời khá mạnh sau đà tăng trong tuần trước.
Hai mã ngân hàng giao dịch nổi bật nhất là VPB và TCB, tăng tương ứng 2,2% và 2,1%, bên cạnh 2 mã dầu khí PLX tăng 1,9% và GAS tăng 1,4% đã hỗ trợ nâng đỡ chỉ số VN30 và VN-Index. Các mã khác cũng tăng đáng kể, ghi nhận trong rổ VN30 là GVR, HPG, NVL, HDB.
Mặc dù giá dầu vẫn đang chịu áp lực đi xuống, nhưng dầu khí lại là nhóm diễn biến tốt nhất trong phiên này. Một số nhóm cổ phiếu khác tăng tốt hơn thị trường chung trong phiên hôm qua có thể kể đến Thủy sản (ANV dư mua trần, VHC tăng 5,1%, CMX tăng 4,7%, FMC tăng 4,1%), Cảng & Vận tải biển (HAH tăng 2%, VOS tăng 1,7%), Thép-Tôn mạ (HPG tăng 1,3%, HSG tăng 1,2%, NKG tăng 4,1%).
Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 8/8, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận phiên quay đầu giảm điểm sau chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên HVN giảm 1,12% về mốc 17.600 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên chỉ có hơn 1,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Như vậy, tính chung 1 tháng qua HVN đã tăng 7,65% giá trị.
Liên quan đến mã này, mới đây HVN đã công bố báo cáo tài chính quý 2. Theo đó, quý 2/2022, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 18.3 nghìn tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ, chủ yếu là đà tăng của doanh thu vận tải hàng không. Điều đáng chú ý là lỗ gộp đã giảm mạnh từ mức 3.4 nghìn tỷ đồng cùng kỳ về mức 377 tỷ đồng. Sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia được đặt trong bối cảnh sân bay đông đúc trở lại, và người dân bắt đầu đi du lịch nhiều hơn sau khoảng thời gian bị kìm chân tại nhà.
Một tín hiệu khởi sắc khác là các công ty liên kết với Vietnam Airlines - phần lớn đều trong ngành hàng không - lãi 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 41 tỷ đồng.
Vệt đen trong báo cáo tài chính của hãng hàng không quốc gia là sự tăng mạnh 172% của chi phí tài chính lên 1.1 ngàn tỷ đồng, phần lớn lỗ do chênh lệch tỷ giá (841 tỷ) và lãi tiền vay (262 tỷ). Đồng thời, chi phí bán hàng tăng mạnh lên 659 tỷ đồng. Kết quả là hãng hàng không với biểu tượng sen vàng báo lỗ ròng gần 2.6 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022, trong khi cùng kỳ lỗ tới 4.5 nghìn tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết giá nhiên liệu tăng mạnh và thị trường quốc tế chưa hồi phục như kỳ vọng là “thủ phạm” gây thua lỗ. Nhiên liệu bay ước chiếm 40% chi phí khai thác của Vietnam Airlines. Trong khi đó, giá xăng máy bay bình quân nửa đầu năm nay gấp đôi cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 114% so cùng kỳ, nhưng vẫn lỗ ròng 5.2 nghìn tỷ đồng.
Nhiều cơ hội vượt lên 1.260 điểm
Về phiên giao dịch ngày 9/8, có thể thấy thị trường đã nối lại đà phục hồi sau khi điều chỉnh nhẹ hôm cuối tuần trước. Với việc biên độ dao động hẹp, áp lực chốt lời không lớn dù có tới 2 nhịp thị trường ở mức đỏ. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường vượt thành công ngưỡng 1.260 điểm trong phiên hôm nay.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), phiên tăng trở lại với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu trụ, thị trường vẫn chưa vượt được ngưỡng 1.260 điểm có thể nguyên nhân đến từ việc thiếu cầu đuổi giá, và có sức ép chốt lời ngắn hạn từ nhóm cổ phiếu midcap, smallcap trong 2 ngày gần đây. Cơ hội để thị trường vượt 1.260 đang trở nên sáng sủa và cơ hội này sẽ dành cho phiên ngày mai khi dòng tiền vẫn đang ủng hộ.
“Một phiên vượt cản thành công sẽ có tác dụng giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư và lôi kéo dòng tiền lớn tiếp tục đổ vào thị trường. Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan và các nhịp rung lắc trong phiên là cơ hội để chốt lời cũng như cơ cấu lại danh mục” - MSB khuyến nghị.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lại cho rằng, Mặc dù cơ hội mở rộng đà tăng điểm trong ngắn hạn vẫn được đánh giá cao, VN-Index nhiều khả năng quay xuống kiểm định ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.24x nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi hồi phục trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở, và có thể hạ dần tỷ trọng ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản đã đề cập trong các nhận định trước.