Thu phí không dừng cần “cú đấm thép”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa đốc thúc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ dán thẻ thu phí không dừng (ETC). Để tháo gỡ một số nút thắt hiện nay rất cần những biện pháp mạnh.

Đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Nút thắt lớn nhất vẫn chưa được tháo gỡ

Thống kê mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, hiện nay cả nước đã có 63 trạm BOT lắp đủ 100% các làn thu phí ETC. Các trạm sẽ phải hoàn thành lắp đặt trong quý I/2022. Khi đó, mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông. Khi không còn nhiều làn thủ công, phương tiện sẽ dán thẻ nhiều hơn để lưu thông.

Tuy nhiên, số lượng trạm BOT lắp đủ làn ETC gia tăng lại không tỉ lệ thuận với tốc độ tăng lượng phương tiện hoàn thành dán thẻ ETC. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết năm 2021, cả nước mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, đạt khoảng 51%. Trong số này, lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được 40 - 70% lưu lượng xe qua trạm.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay của thu phí không dừng chính là lượng phương tiện dán thẻ ETC còn thấp. Thậm chí, nhiều phương tiện đã hoàn thành dán thẻ nhưng không sử dụng mà tiếp tục qua các trạm thu phí bằng hình thức thủ công. Nếu không sớm khắc phục việc này, mục tiêu của dự án thu phí không dừng đề ra sẽ khó đạt được kể cả khi tất cả trạm BOT đều lắp đặt làn ETC.

Trước đó, trong báo cáo trình Thủ tướng về triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Bộ GTVT thừa nhận, do hệ thống ETC lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng nên vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như: Xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền. Ngoài ra, hiện nay, nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí ETC. Đây là những lỗi cần tiếp tục phải hoàn thiện, khắc phục dứt điểm trong thời gian tới.

 

Hiện vẫn có một số lượng lớn phương tiện chỉ lưu thông trong khu vực nội thành các TP lớn hay khu vực miền núi, không đi ra ngoài nên không dán thẻ ETC. Bên cạnh đó, một số lái xe thuê nên họ cố tình không dán để lấy vé, giấy thanh toán với chủ xe.

Để tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đôn đốc tiến độ lắp đặt các làn ETC còn lại trong quý I/2022. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, để đạt mục tiêu đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng là điều không dễ dàng.

Muốn đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC cho các phương tiện, cần tiến tới đóng cửa tất cả làn thu phí thủ công.
Muốn đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC cho các phương tiện, cần tiến tới đóng cửa tất cả làn thu phí thủ công.

Cần những giải pháp mạnh tay

Trong Công điện số 155 ngày 22/2/2022 về việc triển khai dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP; người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ ETC; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, để hoàn thành mục tiêu 90% phương tiện dán thẻ thu phí không dừng như yêu cầu của Chính phủ, trong thời gian ngắn tới, phải hoàn thiện việc dán thẻ cho 2 triệu phương tiện. Với tỷ lệ và tốc độ dán thẻ ETC như hiện nay, việc đạt được mục tiêu không dễ dàng nếu không có những giải pháp cấp bách ngay từ bây giờ.

Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là cần có sự vào cuộc, đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo niềm tin cho chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang có những bước đi quan trọng để đốc thúc tiến độ dán thẻ ETC cho các phương tiện.

Bộ GTVT đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ đầu tháng 5/2022. Với xe không dán thẻ thu phí không dừng sẽ không được đi vào cao tốc. Giải pháp này tạo ra sự khác biệt về lợi ích cho những chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Sau khi tổng kết sẽ nhân rộng giải pháp này tới các tuyến cao tốc khác. Dù người dân đi ra khỏi thành phố một lần trong năm vẫn phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ, qua đó nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ khi tham gia giao thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý trạm thu phí phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt nghiêm tình trạng phương tiện không dán thẻ “đi nhầm” vào làn ETC, gây cản trở, ùn tắc giao thông.

TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh tay nhằm khắc phục triệt để vướng mắc, bất cập trong công tác thu phí không dừng, đặc biệt là vấn đề số lượng phương tiện dán thẻ ETC còn quá thấp như hiện nay. Có như vậy mới giúp việc thu phí không dừng phát huy được những ưu việt vốn có. 

Cũng theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, muốn đẩy nhanh tỉ lệ phương tiện dán thẻ ETC, tới đây phải thực hiện đóng các cửa thu phí bằng tiền mặt. Bởi vẫn có làn thu phí thủ công nên các chủ phương tiện mới cố tình “câu giờ”, lừng khừng không chịu dán thẻ ETC. 

 

“Nếu trạm thu phí không thực hiện lắp đặt thu phí không dừng, không thực hiện theo đúng quy định thì không cho thu phí nữa” - TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.