Thu phí ô tô vào sân bay: Liệu có vi phạm luật?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những phản ứng trái chiều của dư luận, Bộ GTVT vẫn “bảo thủ” quan điểm khi cho rằng việc thu phí ô tô vào sân bay là do “lịch sử để lại”. Lý giải này tiếp tục vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia.

 Xe đưa đón khách tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Nguyễn Linh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, trả lời báo chí về quyết định “bác” đề xuất dừng thu phí ô tô vào sân bay mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc thu phí dịch vụ đường dẫn vào sân bay là do “lịch sử để lại”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, tất cả các cảng hàng không tại Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ đầu tư của Nhà nước, do Nhà nước quản lý, khai thác và thu phí. Nội dung thu phí ô tô vào sân bay mà Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đang thực hiện đã có từ khi đơn vị này còn chưa cổ phần trong khi ACV mới chỉ chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa được hai năm nay. 
Trước câu hỏi việc thu phí này có hợp pháp hay không, Thứ trưởng Bộ GTVT không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho hay, trước hết phải thấy đó là một quá trình lịch sử dài. Ngoài ra, ông Đông còn viện dẫn, Luật Giá và Luật Hàng không. Cụ thể, trong Luật Hàng không có quy định giá dịch vụ hàng không và giá phi hàng không. Phí sân, đường ở sân bay là phi hàng không.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có chỉ đạo về việc này, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các khoản thu này để có báo cáo Chính phủ trước tháng 3/2018. Theo đó sẽ rà soát rõ cái nào thu chưa đúng, cái nào do lịch sử để lại thì phải báo cáo để có quyết định cuối cùng.

Chuyện lình xình đã kéo dài gần nửa tháng, nhưng câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT bác đề xuất ngừng thu phí ô tô vào sân bay của cấp dưới là Cục Hàng không Việt Nam là hoàn toàn vi luật và “bảo thủ”. Bởi trước khi Cục Hàng không Việt Nam có đề xuất trên, trong Thông báo kết luận số 27/TB-TTCP ngày 5/1/2018, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định việc thu phí này là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách.
Chính từ kết luận thanh tra này, Cục Hàng không Việt Nam mới có đề xuất như một động thái tuân thủ kết luận của Thanh tra Chính phủ và tạo điều kiện để tìm ra phương hướng khắc phục. Thế nhưng, Bộ GTVT đã gây bất ngờ khi bác đề xuất trên. “Tôi hoàn toàn ủng hộ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đây là kết luận chính xác trên tinh thần tôn trọng luật pháp và vì dân” - bà An nói và cho biết thêm, tinh thần hành động của chính phủ là kiến tạo, phục vụ, do đó tất cả mọi vấn đề đều cần giải quyết trên tinh thần vì lợi ích của Nhân dân và thượng tôn pháp luật.
“Chuyện này phải làm cho nghiêm. Vì nếu còn tình trạng vi luật thì đất nước không bao giờ vào kỷ cương được. Nếu luật sai, bất cập thì phải sửa luật trước, còn khi luật vẫn đang có hiệu lực thì bắt buộc phải tuân thủ” - bà An khẳng định.

Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN phân tích, Bộ GTVT đang dựa vào hai lý do để bảo vệ cho quyết định của mình. Thứ nhất là việc thu phí ô tô vào sân bay được ACV thực hiện từ trước khi đơn vị này cổ phần mà theo như thuật ngữ của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là do “lịch sử để lại”. Thứ hai, có tình trạng trong quy định của luật cũng không có quy định rõ ràng là khi những công trình xây trên đất của Nhà nước, tự bỏ vốn đầu tư thì có được lấy lại chi phí đầu tư hay không.

Do đó, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, muốn lấy lại công bằng để luật lệ được thực thi nghiêm và công minh thì Chính phủ phải có giải quyết, phân xử cho rõ ràng, dứt khoát. “Nếu không giải quyết dứt điểm được sẽ dẫn tới hệ quả là những việc khác tương tự. Đây cũng là một cách để tổng kết, nâng trình độ làm luật lên, hơn nữa là tiếp cận được thực tiễn khi có vấn đề thì mình phải đi đến tận cùng, nghe đến tận cùng để giải quyết” - ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần