Triển khai thí điểm
Để việc thu phí trông giữ phương tiện được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, các sở, ngành của TP Hà Nội đang hoàn thiện ứng dụng thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thành phố thông minh theo đề án 06/HN tại TP Hà Nội. Hướng đến chuyển đổi số trong việc kiểm soát xe ra, vào tại các bãi đỗ, điểm trông giữ xe trên địa bàn TP.
Việc ứng dụng công nghệ triển khai thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt đã được thực hiện tại phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, từ ngày 9/2 vừa qua. Kết quả bước đầu tại điểm này ghi nhận 50% số người gửi xe máy, 70% người gửi ô tô thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước đây, TP Hà Nội các đơn vị được cấp phép trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội tổ chức thu giá dịch vụ trông giữ xe chủ yếu bằng tiền mặt. Đến giữa năm 2017, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình thu phí trông giữ xe qua ứng dụng iParking tại 17 điểm trên tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm); sau đó mô hình này phải tạm dừng vào tháng 9/2020 do còn một số hạn chế, bất cập. Theo số liệu của ngành chức năng, từ năm 2021 - 2023, 101 điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đã thu phí được 248 tỷ đồng.
Tại điểm trông giữ phương tiện khu vực phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc trong dịp lễ, Tết Nguyên đán vừa qua, đã áp dụng thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt, Công an quận Tây Hồ đã có các biện pháp để thu phí đúng giá quy định, bảo đảm an ninh an toàn và phòng cháy, chữa cháy với các địa điểm khác trên địa bàn.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế xây dựng cơ chế, chính sách về thu phí, lệ phí, thuế khai thác điểm đỗ xe, bãi đỗ. Dự kiến, từ ngày 1/5 tới sẽ áp dụng tại các điểm trông xe do Công TNHH MTV khai thác điểm đỗ TP quản lý, sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn TP.
Siết chặt quản lý
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có 57 bãi đỗ xe được TP cấp phép hoặc nằm trong các trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học; 639 điểm đỗ (dưới lòng đường) với tổng diện tích khoảng 135.000m2. Các đơn vị được cấp phép trông giữ xe phần lớn đang thu giá dịch vụ bằng tiền mặt.
Đại diện Công ty TNHH MTV Hữu Đức Trí, ông Nguyễn Hữu Đạt cho biết: “Đơn vị đã chuẩn bị xong các công tác phục vụ việc trông giữ xe không có tiền mặt như mua sắm hàng loạt thiết bị cũng như đào tạo cho công nhân viên trông giữ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt toàn bộ các điểm được Sở GTVT TP Hà Nội cấp phép”.
Ông Nguyễn Hữu Đạt nhìn nhận, trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ giúp công ty quản lý, thu phí dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc trông giữ cũng sẽ có một số bất cập đối với một số trường hợp khi người gửi xe không đem theo hoặc không có thiết bị điện thoại thông minh, thẻ ngân hàng hay máy móc, thiết bị hết pin, hỏng hóc.
Anh Nguyễn Văn Lương, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã trải nghiệm thu phí gửi xe không dùng tiền mặt tại quận Tây Hồ. Xe đi vào bãi chỉ cần quét mã QR code. Đối với xe đã dán thẻ VETC khi vào đây qua trạm nhanh chóng được tích hợp, đánh giá luôn giờ vào, ra và thanh toán luôn ví của VETC. Đối với xe chưa cài đặt phí VETC, chưa có thẻ thì sẽ quét mã QR sẽ tính luôn số tiền và giờ ra, vào”.
Anh Lương cho rằng, việc thu phí không dùng tiền mặt rất văn minh, người dân không lo bị thu tăng giá vé cũng như "chặt chém" giá trông xe. Anh Lương mong rằng, Hà Nội sẽ ngày càng có nhiều điểm trông giữ xe thực hiện thu vé không dùng tiền mặt để người dân được thuận tiện hơn mỗi khi ra đường gửi xe.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phạm Nguyên Anh đánh giá: “Thu phí qua mã QR rất văn minh, không những thuận tiện, mà việc thu không thể gian lận, người thu không thể tăng giá, quản lý được doanh thu chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, việc trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô tìm kiếm chỗ đỗ gửi xe được thuận lợi nhất, rút ngắn thời gian ra vào các bãi đỗ, điểm trông giữ xe; thanh toán tiện lợi, tự động, đa dạng các phương thức thanh toán để hạn chế dùng tiền mặt; đồng thời thuận tiện trong công tác quản lý điều hành, trông giữ phương tiện”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội hiện nay chỉ có 10% số bãi trông giữ xe được quản lý, còn lại 90% đang được trông giữ tự phát dưới lòng đường, vỉa hè, các bãi đất trống, hầm chung cư. Việc này khiến cho công tác triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt chưa đạt hiệu quả cao.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để việc thu phí trông giữ phương tiện được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, ứng dụng thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt, Hà Nội cần có những biện pháp chặt chẽ hơn trong việc quản lý những bãi trông giữ xe tự phát. Có thể xem xét cấp giấy phép tạm cho các bãi trông giữ đủ điều kiện để việc quản lý dễ dàng hơn.
Theo phản ánh của du khách, việc thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt đã khắc phục được cảnh chờ hàng giờ để vào lễ phủ Tây Hồ ngày Tết; phương tiện nhanh chóng được hướng dẫn vào bãi đỗ xe được quy định sẵn; người dân cũng không phải lo thu quá giá quy định. Việc áp dụng mô hình tại 2 khu vực trên trở thành điểm sáng về chuyển đổi số trong quản lý văn hóa, tổ chức lễ hội của Thủ đô dịp đầu năm nay, góp phần giữ gìn trật tự đô thị.