Thu phí xử lý nước thải là phù hợp

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của đông đảo người dân và các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước liên quan đến việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội mới được HĐND TP thông qua.

Công nhân vận hành tại nhà máy nước thải Yên Sở. Ảnh Thanh Hải
Công nhân vận hành tại nhà máy nước thải Yên Sở. Ảnh Thanh Hải

Gần 70% lượng nước thải đô thị chưa được xử lý

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380m3/ngày, đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt hơn 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Trong đó, tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. Ở nông thôn, hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Tại Hà Nội, theo quy hoạch có 31 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay mới chỉ có 6 nhà máy đi vào hoạt động (Kim Liên, công suất 3.700m3/ngày, đêm; Trúc Bạch, công suất 2.300m3/ngày, đêm; Bảy Mẫu, công suất 13.300m3/ngày, đêm; Yên Sở, công suất 200.000m3/ngày, đêm; Bắc Thăng Long – Vân Trì, 42.000m3/ngày, đêm); Hồ Tây, 15.000m3/ngày, đêm) và chỉ đáp ứng được khoảng 28% khối lượng nước thải cần xử lý. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, theo quy hoạch sẽ có 11 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay cũng chỉ có 3 nhà máy đang hoạt động. Điều này đã và đang khiến công tác xử lý nước thải trở thành vấn nạn lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Lý giải về việc “những khoảng trắng” trong công tác xử lý nước thải sinh hoạt, một số chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước chia sẻ, mặc dù tỷ lệ thu gom nước thải ở các hộ gia đình ở Việt Nam đạt hơn 60% nhưng chỉ có khoảng 10% lượng nước thải được xử lý, số còn lại chảy thẳng vào hệ thống tiêu thoát nước bề mặt. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc thiếu kinh phí trong việc lắp đặt, bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị cũ… Trong khi đó, việc kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý nước thải gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là lĩnh vực khả năng thu hồi vốn rất chậm nên nhiều DN không hào hứng với lĩnh vực này.

Công nhân kiểm tra mẫu nước tại nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch. Ảnh Văn Phúc
Công nhân kiểm tra mẫu nước tại nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch. Ảnh Văn Phúc

Đưa quy định vào cuộc sống

Đầu tiên phải khẳng định, chủ trương thu phí xử lý nước thải không phải mới của riêng Hà Nội mà đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng các nghị định từ năm 2016. Cụ thể, ngày 16/11/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải. Tiếp đó, ngày 5/5/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 53/2020/NĐ-CP quy định phí BVMT đối với nước thải nhằm thay thế, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 154 trước đó và chính thức có hiệu lực từ 10/6/2020.

Theo quy định của Nghị định 53, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, mức phí đối với nước thải công nghiệp trong năm 2020 sẽ áp dụng mức phí chung là 1,5 triệu đồng/năm. Kể từ năm 2021 trở đi, mức phí BVMT đối với nước thải sẽ được áp dụng mức phí theo lưu lượng nước thải bình quân trong ngày, cụ thể: Từ 10m3 đến dưới 20m3/ngày mức phí sẽ là 4 triệu đồng/năm, từ 5m3 đến dưới 10m3/ngày mức phí: 3 triệu đồng/năm, dưới 5m3 mức phí: 2,5 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở có khối lượng nước xả thải từ 20m3/ngày trở lên ngoài số phí cố định, cơ sở xả thải còn phải nộp phí biến đổi. Phí biến đổi tính theo hàm lượng thông số ô nhiễm có trong nước thải (6 thông số ô nhiễm: Nhu cầu ô xy hóa học, Chất rắn lơ lửng, Thủy ngân, Chì, Arsenic, Cadimium). Mức phí biến đổi được tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất. Mức phí thấp nhất 2.000 đồng/kg đối với nhu cầu ô xy hóa học (COD), và cao nhất 20 triệu đồng/kg đối với chất thủy ngân (Hg).

Trong đó, việc xác định tổng lượng nước thải đối với cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định pháp luật thì căn cứ xác định hàm lượng thông số ô nhiễm trong nước thải để kê khai, tính phí là số liệu quan trắc nước thải định kỳ. Bên cạnh đó, tổng lượng nước thải được xác định căn cứ vào các nguồn dữ liệu như: Kết quả thực tế của đồng hồ, thiết bị đo lưu lượng; Tính bằng 80% lượng nước sử dụng; Thông tin có trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Cần đánh giá tác động xã hội

Liên quan đến việc ban hành quy định phí xử lý nước thải, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường chia sẻ, bây giờ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mới tiến hành thu phí xử lý nước thải đã là quá chậm so với nhiều nước trên thế giới. Song, dù muộn nhưng đây cũng là động thái rất đáng trân trọng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đất ở Việt Nam.

Đồng quan điểm với GS.TS Trần Hiếu Nhuệ về tính cần thiết của việc thu phí xử lý nước thải, song PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, mức phí bằng 10 - 35% giá nước sạch, tương ứng từ 6.000 đến 16.000 đồng/hộ/tháng nếu sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3 với nhiều gia đình là số tiền nhỏ. Tuy nhiên, khi kết hợp với những khoản chi phí khác của từng gia đình là khoản rất cần các cơ quan quản lý xem xét mức độ cũng như thời gian áp dụng.

Giá dịch vụ thoát nước đề xuất tăng dần theo lộ trình 5 năm và thu thông qua giá nước sạch. Cụ thể, năm thứ nhất thu bằng 10% giá nước, năm thứ 5 thu khoảng 35%. Mức giá mà TP Hà Nội đưa ra thấp hơn các tỉnh, TP đang thực hiện, cụ thể Đà Nẵng 15%; Nha Trang 30 - 40%; Bắc Ninh 25 - 38% và Hải Phòng 20%.

Với giá nước sinh hoạt của Hà Nội hiện là 5.973 đồng/m3, hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3 (chiếm 50% tổng hộ gia đình) phải trả theo phương án đề xuất gần 6.000 đồng/tháng (10%) đến hơn 21.000 đồng/tháng (35%). Tuy nhiên, TP đang rà soát tăng giá nước sạch do nhiều DN cung cấp nước cho rằng mức giá áp dụng từ 1/10/2015 đến nay quá thấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần