Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ quả... kén người ăn!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẫu vẫn là một thứ quả, nhưng với cau, không phải ai cũng biết ăn và muốn ăn, dù trong thời điểm này, giá của nó không hề rẻ.

Qua khảo sát, muốn có một buồng cau tươi (300 quả), người ta phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng.

Thứ quả... kén người ăn! - Ảnh 1

Khi tiết trời đã chuyển sang tiết Thu, cau lại càng có giá; bởi theo truyền thống, “miếng cau miếng trầu là đầu câu chuyện”, quê cũng vậy phố cũng phải vậy, cau là thứ quả không thể thiếu trong cưới xin.

Đời đã vậy trong văn học nghệ thuật, cau cũng được văn nghệ sĩ nhắc đến không ít lần. Nguyễn Bính từng viết “Nhà em có một giàn trầu. Nhà tôi có một hàng cau Liên phòng…”.

Ở ca khúc Làng tôi, nhạc sĩ Văn Cao cũng đưa bóng cau vào câu hát “Đời đang vui làng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền một dòng sông…”. Thế mới thấy, cây cau gắn bó mật thiết với đời sống dân Việt đến nhường nào…

Ở Việt Nam, nhiều địa phương có truyền thống trồng cây cau trên như Thủy Nguyên (Hải Phòng), Sơn Hà, Ba Tơ, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi)… Ngoài ra, ở các tỉnh thành, làng quê trong cả nước, không chỗ nào vắng bóng cau.

Và hình như cây cau chỉ thực sự tạo ra hình ảnh đẹp chốn làng quê, với nếp nhà truyền thống, mái chùa, sân đình, bờ tre, giếng nước… Nhưng giờ nhiều vùng quê đã đổi mới, nhà truyền thống nhường chỗ cho bê tông cốt thép; đất mỗi ngày mỗi chật, người mỗi ngày một đông, cau cũng dần hết đất sống?

Tôi sống ở quê vợ vùng ngoại thành, đất đai cũng còn nhiều, thế nên một số vị cao niên trong làng bảo, đất rộng sao mày không trồng mấy hàng cau cho đẹp?

Vốn thật thà, tôi trả lời: "Kính các ông, tuy cau cũng thuộc về... cây ăn quả, nhưng thứ này nhà cháu lại không quen nên không trồng ạ". Mấy cụ già chỉ biết nhìn tôi mà lắc đầu. Sinh thời thày tôi hay nói: “Thiếu đất trồng dừa - thừa đất trồng cau”, nhớ lời ông, nên tôi trồng mấy cây dừa vì quả của nó cả nhà ai cũng xơi được!

Tếu táo vậy thôi, chứ bây giờ ít người ăn trầu cau lắm; họa chăng chỉ các cụ có tuổi mới dùng món này. Thế nhưng vào lễ lạt, ngày rằm, ngày giỗ, Tết, mâm cơm thờ cúng gia tiên, ngoài gà rượu, không thể thiếu lá trầu, quả cau.

Ở chốn thị thành bây giờ, cơi trầu, miếng cau trong cưới hỏi - có cũng gần như chỉ cho phải phép. Đặt cơi trầu lên bàn thờ gia tiên, thắp hương xong, hết lễ gia chủ phải tìm người để biếu, bằng không cũng chỉ để héo.

Đến chính lễ, người ta dông tuốt ra nhà hàng khách sạn (dẫu vẫn có bàn trà), nhưng thay vì trầu cau là đĩa hạt hướng dương, bánh kẹo. Đã từng dự và quan sát hàng trăm đám cưới ở Thủ đô, nên nhận định của tôi chắc khó có thể sai…

Chỗ tôi ngụ cư thì khác, khi mời cưới bao giờ người ta cũng kèm miếng trầu, miếng cau, lệ đó bây giờ vẫn giữ. Hôm cưới, hai nhà gái trai bao giờ cũng có bàn nước tiếp khách, nơi đó vẫn có miếng cau, miếng trầu hiện diện. Ngoài người già, vẫn có mươi bậc trung niên bỏm bẻm với cau trầu…

Nhưng theo quy luật chẳng ai già mà không chết, vậy chẳng rõ 15, rồi 20 năm nữa, dẫu ở quê, liệu còn có người nhớ đến trầu cau? Chỉ biết rằng giờ đây khi cưới, thiếp mời vẫn in, nhưng đôi khi với chỗ thân tình, người ta chỉ cần nhấc cái alo lên thông báo cái rụp.

Nếu cẩn thận hơn, chỉ cần chụp cái thiếp, “pót’ lên facebook, hoặc zalo, (thì nói như nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh), cánh thiệp hồng đã “nằm trên bàn” thế là xong. Với đà này, cau không phải là thứ quả kén người ăn mới lạ!