Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thử thách sức bật của dịch vụ nội dung

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc sống và công việc của mỗi người đang dịch chuyển đáng kể lên môi trường Internet.

KTĐT - Cuộc sống và công việc của mỗi người đang dịch chuyển đáng kể lên môi trường Internet. Điều này đã tạo ra một nhu cầu to lớn về nội dung thông tin trên khắp các lĩnh vực, nhưng khai thác như thế nào nguồn tài nguyên cộng đồng để có những dịch vụ giá trị tăng cao, phù hợp với nhu cầu xã hội, đang là thách thức lớn đối với các nhà cung cấp.

Đã có nhiều ý kiến nhận định rằng, ngành nội dung số Việt Nam đang phát triển như một “cơ thể ốm yếu” do các dịch vụ phát triển thiếu đồng đều, giá trị gia tăng thấp và mức tăng trưởng quá chậm so với kỳ vọng của thị trường.

Quy mô ngành, bao giờ? 

Trong chặng đường đầu tiên phát triển, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đa số chưa đủ năng lực về thị trường, tài chính lẫn công nghệ, việc chỉ nhắm vào doanh thu ở “tầm ngắn” là tất yếu, vì thế chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Điều này thể hiện qua sự chênh lệch trong tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực nội dung: trò chơi trực tuyến chiếm 25%, tin nhắn trên điện thoại di động 29%, trong khi những lĩnh vực then chốt và mang tính phổ cập xã hội như giáo dục, y tế điện tử, kho dữ liệu số… còn khá mờ nhạt. Mặt khác, một yếu tố quan trọng kích thích dịch vụ nội dung phát triển là thương mại điện tử thì đến nay vẫn tăng trưởng chưa đáng kể.

Các chuyên gia ước tính doanh thu từ thị trường dịch vụ nội dung Việt Nam năm 2009 đạt 2.500 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ đồng từ trò chơi trực tuyến, 1.000 tỷ đồng từ dịch vụ gia tăng trên thiết bị di động và khoảng 300 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến. Sự tăng trưởng của quảng cáo trực tuyến chậm là do nhiều yếu tố, nhưng đây là điều kiện “kìm chân” nội dung số phát triển. Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VinaGamne, cho rằng nhận định về việc dịch vụ nội dung số phát triển phiến diện thời gian qua là không hoàn toàn chính xác. Thực tế cho thấy, ngành không chỉ có trò chơi và các dịch vụ tin nhắn, mà người sử dụng đã tiếp cận với các trang tin, báo điện tử, e-mail, chat… từ rất sớm. Các cuộc khảo sát cho thấy chỉ khoảng 40% người sử dụng Internet tham gia trò chơi trực tuyến.

Theo ông Minh, sở dĩ có ý kiến như vậy là vì trò chơi trực tuyến và tin nhắn là hai dịch vụ “hái ra tiền” trên Internet hiện tại, trong khi người sử dụng rất khó trả tiền để đọc tin trực tuyến hay e-mail, chat, mặc dù số người sử dụng các dịch vụ này nhiều gấp nhiều lần số người chơi trò chơi. So với cách đây năm năm thì hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường và phát triển khá đồng bộ trên nhiều lĩnh vực từ trò chơi trực tuyến, blog, nhạc số, xem phim, mạng xã hội, web chia sẻ video cho đến mua bán, học tập trực tuyến… Gần đây nhất thị trường chứng kiến các lĩnh vực mới ra đời như thanh toán trung gian, tiếp thị trực tuyến…, là kết quả của quá trình phát triển nội dung trên thị trường.

Khác với giai đoạn khoảng năm năm trước, đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ lẻ, những năm gần đây, các “đại gia” bắt đầu nhảy vào đầu tư, khai thác đa dạng các dịch vụ nội dung. Dù được xem “chưa hái ra tiền”, nhưng hầu hết các tập đoàn viễn thông - CNTT hoặc những nhà đầu tư, công ty tài chính đang đứng đằng sau các dịch vụ gia tăng trên môi trường Internet. Có thể kể đến FPT, VCCorp, VinaGame, Vega Corp, VnMobile, Naiscorp, Viettel, VNPT… Họ bộc lộ rõ tham vọng tạo ra chuỗi dịch vụ để khai thác giá trị tài nguyên của cộng đồng trên Internet từ tán gẫu, mạng xã hội, học tập… cho đến các chương trình truyền hình số và các dịch vụ đa phương tiện khác.

IDG Ventures Vietnam đã “bành trướng” vào hầu hết các dịch vụ nội dung bằng cách đầu tư vào các công ty nhỏ hoặc các ý tưởng có triển vọng với tham vọng tạo lập một chuỗi dịch vụ để “thâu tóm” cơ sở dữ liệu của cộng đồng, tạo ra nguồn tài nguyên có giá trị phục vụ cho kinh doanh. Những khoản đầu tư của các tập đoàn lớn vào lĩnh vực này hiện chưa mang lại nguồn doanh thu lớn, nhưng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy toàn ngành phát triển về quy mô và có chiều sâu hơn, sau một giai đoạn dài “tập tành” trên thị trường.

Vẫn phải chờ

Trong khi đó kho dữ liệu số về các hoạt động xã hội vốn gắn liền với dịch vụ công đang thiếu vắng sự năng động và chưa giải quyết được tình trạng cát cứ dữ liệu sau Đề án 112. Việc Chính phủ mới đây quyết định chi gần 1.000 tỷ đồng vào việc phát triển phần mềm và nội dung số được xem là tín hiệu tốt cho thị trường này. Nếu tạo ra được một kho dữ liệu số từ luật, khai thuế, hải quan, các thông tin thống kê quốc gia, các thống kê chuyên ngành như dân số, lao động, đất đai, nông nghiệp..., các dữ liệu thông tin về các công ty, doanh nghiệp, ngành hàng… thì một kho dữ liệu khổng lồ sẽ được thiết lập và đưa vào cộng đồng, kích thích người sử dụng nối mạng và cộng đồng CNTT tham gia phát triển ứng dụng kinh doanh.

Ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số, cho biết viện này đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy chuẩn kỹ thuật trong tạo lập, lưu trữ, trao đổi cơ sở dữ liệu nội dung số phục vụ các lĩnh vực công. Tầm nhìn xuyên suốt của giải pháp là tạo lập được mối liên kết hệ thống, tích hợp dữ liệu, quản trị nội dung và chia sẻ các thông tin số hóa. Đây sẽ là nền tảng cho chính phủ điện tử và tài chính công với các dịch vụ hướng đến chuẩn truy cập thông tin hiện đại liên quan đến nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính, mua sắm tài sản công, đào tạo, bầu cử…

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và trung tâm dữ liệu nội dung số, theo ông Minh, là yêu cầu cấp bách nhưng là con đường dài. Nếu muốn thúc đẩy phát triển quy mô doanh nghiệp trong lĩnh vực này thì Nhà nước cần tham gia vào những dịch vụ mang tính đón đầu và tạo động cơ phát triển cho doanh nghiệp. Tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay là chờ đợi khi có nhu cầu của thị trường mới nhập sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh của nước ngoài. Điều này làm nảy sinh sự cạnh tranh quá nhiều trong một vài lĩnh vực như lắp ráp linh kiện, làm trang web, kinh doanh trò chơi trực tuyến…, trong khi nhu cầu ở các ngành nghề, lĩnh vực khác là rất lớn nhưng lại thiếu sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Ông Minh cho rằng, việc tạo ra những giải pháp mang tính định hướng, mở ra các thị trường mới, đặc biệt là thị trường nội dung thông tin số phục vụ cho việc phát triển chính phủ điện tử, các dịch vụ công, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… rất cần sự đầu tư của Nhà nước. Làm được điều này sẽ tạo ra một “hệ sinh thái” cho cộng đồng phát triển nội dung tham gia sử dụng và đưa các ứng dụng đi theo mô hình hướng đến dịch vụ.

Suy cho cùng, nội dung số phát triển trên “cơ thể” của mạng di động và Internet. Mối quan hệ hữu cơ giữa cơ sở dữ liệu nội dung trong khắp các lĩnh vực, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng pháp lý và người sử dụng sẽ giúp cho thị trường phát triển lành mạnh và ở quy mô lớn hơn. Doanh nghiệp kỳ vọng vào đó để cho ra những nội dung đúng theo nhu cầu tiêu dùng và phù hợp với quy luật vận động của thị trường.

Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, cho rằng theo xu hướng tất yếu các doanh nghiệp sẽ dần chuyển mô hình kinh doanh sang dịch vụ và giải pháp. Nếu tạo ra được một cơ sở dữ liệu có quy mô xã hội thì ắt các dịch vụ sẽ đi theo. Một mô hình xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp cần được thiết lập để phục vụ cho cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan hành thu. Còn theo ông Nguyễn Duy Năng, Chủ tịch Công ty Viễn Tân, chỉ cần tạo ra một hệ sinh thái, một chuẩn xã hội hóa phù hợp, các doanh nghiệp sẽ tự tìm cơ hội cung cấp hạ tầng kỹ thuật. tham gia kiến tạo nội dung và hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho xã hội, cung cấp các dịch vụ liên quan đến nền hành chính công. Đó mới là những thách thức lớn hiện nay đối với ngành nội dung số.