Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ: tạo công bằng, chống thất thu ngân sách

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, việc bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ là cần thiết để tạo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời chống thất thu thuế.

Cần sớm bãi bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Với ưu điểm giá rẻ, giao hàng nhanh, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng đặt hàng giá trị nhỏ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Theo số liệu của Bộ Công thương, trung bình mỗi ngày có từ 4 – 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT. Tuy nhiên, tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 328.500 tỷ đồng giá trị hàng hóa giao dịch được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu. Điều này không chỉ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, mà còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Việc thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là cần thiết để tạo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước.
Việc thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là cần thiết để tạo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Trước thực tế trên, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Đề xuất dựa trên quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về các hoạt liên quan đến hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, TMĐT. Hiện nay, một số quốc gia bắt đầu nghiên cứu và thực hiện việc thu thuế GTGT đối với hàng hóa có trị giá thấp. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/7/2021 đã thực hiện thu thuế GTGT đối với các lô hàng từ 22 euro trở xuống (trước đây các lô hàng này được miễn thuế GTGT). Cùng với đó, Singapore cũng bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp, từ ngày 1/1/2023.

Hiện, Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT đã được Bộ Tài chính hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định trong quý IV.

Nhìn nhận về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho biết, thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ là phù hợp với cam kết tại Nghị định thư về đơn giản thủ tục hải quan ngày 26/6/1999, yêu cầu pháp luật của các quốc gia phải quy định giá trị hoặc mức thuế tối thiểu của hàng hóa nhập khẩu không thu thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét quy định này cho phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, cũng như thực tế tại Việt Nam, nhằm đảm bảo điều tiết vĩ mô, tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Chỉ ra những bất cập khi không thu thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là một trong những lý do khiến hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam. Điều này có thể tạo kẽ hở để người bán lợi dụng chính sách miễn thuế, xé nhỏ giá trị đơn hàng xuống dưới 1 triệu đồng để tránh thuế, tiềm ẩn thất thu thuế. Do đó, cần phải bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu thuế.

Đảm bảo nguyên tắc đơn giản, ít chi phí

Khẳng định việc bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là cần thiết, tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được khuyến nghị việc thu thuế cần cân nhắc cẩn trọng sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế về đơn giản thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc trong xây dựng pháp luật thuế là thu thuế phải tương xứng với chi phí thực hành thu và chi phí xã hội, đồng thời cần áp dụng nguyên tắc “trọng yếu” đối với các giao dịch nhỏ, lẻ, phát sinh không thường xuyên để tạo thuận lợi cho người nộp thuế. “Chính sách này có thể vẫn được áp dụng nhưng với giá trị nhỏ hơn và thu hẹp đối tượng được ưu đãi chính sách này. Chính phủ cần cân nhắc lại mức giá trị hàng hóa được miễn và các đối tượng, trường hợp được miễn cần được rà soát và điều chỉnh” – ông Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.

Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa Nghị định 123 quy định về hóa đơn, chứng từ, trong đó, Bộ có đề xuất quản lý đối với TMĐT, đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.

Việc xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Qua đó, hàng hóa trong nước có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường. Đặc biệt, sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài quy định về hóa đơn này, tại Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, trong đó có nội dung bỏ quy định không thu thuế GTGT đối với hàng chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ.