Nhìn từ thực tế, với cách thu tính theo đầu người hiện nay, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều một mức giá như nhau, cũng có lúc dẫn đến sự bất công bằng. Vì thế việc những nhà thường xuyên phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt sẽ phải nộp phí cao hơn so với các hộ có lượng rác ít sẽ bảo đảm sự công bằng.
Nhưng, dù đồng tình, bản thân người dân cũng băn khoăn bởi là làm thế nào để tính được khối lượng rác phát sinh, để trả đúng, trả đủ lượng rác thải ra. Quả là không dễ dàng nếu không có những giải pháp thật căn cơ và đồng bộ. Trong đó, có lẽ việc thúc đẩy phân loại rác tại nguồn phải được nâng cao hơn nữa, không chỉ ở việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức mỗi người, mà cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Lại nhìn từ thực tế, việc phân rác tại nguồn đã được thí điểm, triển khai ở không ít địa bàn từ lâu, lúc đầu người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó, nhiều hộ bỏ ngang. Trong đó có một lý do được chỉ ra là người dân có ý thức phân loại đâu ra đó nhưng công ty thu gom rác dồn chung kho thu gom, thì phân loại làm gì cho mất công. Hơn nữa, ngay ở các thùng rác công cộng, không phải địa điểm nào cũng có sẵn các thùng cho từng loại ra, nên “thôi thì” phân loại rồi, vẫn bỏ chung vào. Bởi thế, cứ sau mỗi lần thí điểm, tuyên truyền, không ít nơi, rồi đâu lại vào đấy, kết quả mãi không như kỳ vọng.
Thiết nghĩ, đề giải quyết một vấn đề đã trở thành bức thiết, chỉ một đề xuất về mặt chính sách có lẽ vẫn chưa đủ. Bởi điều quan trọng cùng với truyền thông chính sách và hướng dẫn người dân thực hiện được, cần có hướng dẫn một cách rất cụ thể và đồng bộ các vấn đề kèm theo. Như việc phân loại rác tại nguồn, thu tiền rác theo khối lượng và chủng loại, hoạt động thu gom chất thải sau phân loại phải được thực hiện thống nhất và triệt để hơn cả về thiết bị, phương tiện, đầu ra. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Công cụ kinh tế luôn có tác dụng, nhưng nó sẽ ít hiệu quả nếu mức độ tác động không quá nhiều và người dân sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua sự tiện lợi, nếu thấy rõ được lợi ích.