Chúc mừng năm mới

Thu triệu USD từ các giải chạy

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống được nâng lên, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể dục thể thao tăng. Nhiều giải chạy phong trào được tổ chức, mang lại những giá trị tích cực cho Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội có 8 giải marathon và bán marathon quy mô lớn

Từ nhiều năm nay, các giải chạy đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu với người dân Việt Nam. Theo thống kê của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, mỗi năm có gần 60 giải bán marathon, marathon và siêu marathon đã được tổ chức trên cả nước.

Các giải chạy được tổ chức ngày càng nhiều, thu hút số lượng lớn vận động viên tham dự, hoạt động kinh tế đi kèm nhờ đó cũng phát triển và mang đến nguồn thu cho các địa phương; đồng thời góp phần phát triển du lịch, quảng bá văn hóa, thúc đẩy kinh tế với từng bước chạy “thương hiệu” đặc trưng vùng miền.

Tại Hà Nội, nhiều giải chạy lớn được tổ chức trong năm đã trở thành sân chơi quen thuộc với các vận động viên chuyên và không chuyên. Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, Hà Nội có 8 giải marathon và bán marathon quy mô lớn với các cự ly: 42km, 21km, 10km, 5km, 3km và 1,5km. Cung đường chạy được Hiệp hội Điền kinh thế giới và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đo lường, xác nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi giải chạy đều thu hút từ 10.000 - 17.000 vận động viên và khoảng 1.300 - 1.500 người tham gia tổ chức, vận hành giải.

Các vận động viên tham gia giải chạy VPBank Hanoi International Marathon 2024. Ảnh: Phạm Hùng
Các vận động viên tham gia giải chạy VPBank Hanoi International Marathon 2024. Ảnh: Phạm Hùng

Sở VH&TT Hà Nội cũng cho biết, trong số các vận động viên tham gia có khoảng 70% người đến từ các tỉnh, TP bạn và các nước khác. Theo tính toán của các đơn vị tổ chức, có khoảng trên 50% vận động viên đến Hà Nội có người đi cùng. Thực tế, các giải chạy mang lại tác động kinh tế đáng kể, thể hiện ở việc gia tăng chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, tham quan, giải trí, mua sắm, lưu trú tại khách sạn, vận chuyển, dịch vụ hàng không đến Hà Nội...

Trong các giải chạy, hiện mới có đơn vị tổ chức giải Marathon quốc tế Hà Nội - Techcombank có bộ phận đo lường và đánh giá chỉ số này. Theo số liệu đánh giá của đơn vị tổ chức, giải đã mang lại tác động kinh tế địa phương ước tính khoảng 12,6 triệu USD.

Quảng bá văn hóa, con người Thủ đô

Chạy bộ là môn thể thao không quá phức tạp, không mang tính đối kháng và được nhiều người ưu tiên khi muốn duy trì sự năng động. Hơn thế, đối với “cộng đồng runners”, chạy bộ còn là một cách để họ khám phá và chinh phục giới hạn của bản thân.

Tại Hà Nội, hầu hết giải chạy lấy yếu tố văn hóa, di sản làm cốt lõi để quảng bá cho giải và thu hút các vận động viên tham gia. Cung đường chạy đều đi qua những di sản biểu trưng của TP, các ấn phẩm của giải đều mang đậm hình ảnh văn hóaThủ đô.

Tại các di sản tiêu biểu của Thủ đô như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn Hà Nội, Cột cờ Hà Nội, đền Quán Thánh…, đơn vị tổ chức giải đều bố trí đèn nghệ thuật và nhiếp ảnh gia ghi hình vận động viên. Từ đó góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, các giải chạy cũng truyền tải, lan tỏa giá trị nhân văn, tương thân tương ái vì cộng đồng. Điển hình như Giải Marathon quốc tế Hà Nội - Techcombank đã hỗ trợ 2 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (bão số 3), 1 tỷ đồng cho các Liên đoàn thể thao Hà Nội… Qua đó lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thể thao vì cộng đồng, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Hay giải VPBank Hanoi International Marathon 2024 thu hút sự tham dự của gần 11.000 vận động viên đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không đơn thuần là một giải chạy phong trào, VPBank Hanoi International Marathon 2024 là hoạt động mở màn cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Các vận động viên chạy xen kẽ cung đường chạy là các trạm tiếp sức âm nhạc, cổ vũ tinh thần các runner với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Sự kiện thể thao kết hợp âm nhạc này nhằm lan toả giá trị sống tích cực và truyền cảm hứng sáng tạo đến với xã hội, cộng đồng, đồng thời thúc đẩy du lịch, xây dựng, quảng bá hình ảnh Hà Nội tươi đẹp, hấp dẫn với du khách.

Đặc biệt, một phần doanh thu của giải chạy được đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội. Với mỗi vận động viên đăng ký sẽ đóng góp 30.000 đồng vào hoạt động của chuỗi chương trình “Cặp lá yêu thương - Em vui tới trường”.

Sau giải Ban Tổ chức đã trao tổng cộng 330 triệu đồng cho Quỹ Tấm lòng Việt. Ngoài ra, giải cũng góp phần cải thiện sức khoẻ, thúc đẩy phong trào chạy bộ tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Điều chỉnh để “cùng vui”

Những điểm tích cực từ các giải chạy phong trào là điều nhìn thấy rõ nhưng vẫn còn ý kiến trái chiều xung quanh việc tổ chức. Cụ thể, các giải chạy đang làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh khu vực xuất phát, về đích hoặc tuyến đường nơi giải chạy đi qua.

Thực tế, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị dừng tổ chức các giải chạy đêm ở không gian hồ Hoàn Kiếm. Sau nhiều giải tổ chức, lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội đã nhìn thấy những hạn chế, trong đó các giải chạy xuất phát và về đích tại nội thành nên thời gian cấm đường kéo dài.

Trong tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc tổ chức các giải chạy năm 2025 của Sở VH&TT Hà Nội cũng nhìn nhận hạn chế về thời gian cấm đường, mặc dù đã tổ chức đóng mở linh hoạt nhưng vẫn có những điểm tình nguyện viên thực hiện chưa linh hoạt, chưa hướng dẫn người dân đến những tuyến đường thay thế, dẫn tới bức xúc.

Hay tại khu vực xuất phát, mặc dù âm thanh chỉ sử dụng để làm công tác thông báo và hướng dẫn khởi động, xuất phát cho vận động viên nhưng vẫn tạo tiếng ồn tại khu vực.

Ngoài công tác truyền thông của đơn vị tổ chức và các quận, huyện có tuyến đường đi qua đã thực hiện nhưng vẫn chưa hiệu quả nên một số người dân chưa chủ động được công việc và sinh hoạt cá nhân.

Trước thực trạng trên, Sở VH&TT Hà Nội đã có những điều chỉnh về phương án tổ chức các giải chạy trong năm 2025. Theo đó, sắp xếp thời gian tổ chức các giải theo hướng giãn cách giữa 2 giải khoảng 15 - 20 ngày, trừ trường hợp giải có quy mô cấp quận và cung đường không ảnh hưởng đến các quận trung tâm.

Đồng thời, các giải phải tổ chức thời gian xuất phát sớm, bảo đảm trước 8 giờ hoàn trả hoàn toàn các tuyến đường cho người dân; từng bước nâng tiêu chuẩn thời gian chạy marathon tối đa lên trước 5 giờ 30 (hiện nay là 6 giờ) để rút ngắn thời gian cấm đường.

Các đoạn đường cấm không có tuyến đường thay thế phải thực hiện đóng, mở linh hoạt. Cùng với đó, sẽ đánh giá năng lực tổ chức của các đơn vị, lộ trình đường chạy, dự báo các vấn đề dân sinh bức xúc, định hướng khống chế số lượng người tham gia tương ứng với quy mô của cung đường chạy và các giải pháp về giao thông, y tế.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác truyền thông về các tuyến đường cấm tới từng tổ dân phố, khu dân cư có lộ trình đường chạy đi qua, để người dân chủ động trong sinh hoạt và có phương án thay thế.

 

Hà Nội là TP nghìn năm văn hiến, được mệnh danh là "thành phố di sản" mang trong mình bề dày giá trị về văn hóa, lịch sử. Việc tổ chức các giải thể thao lớn, trong đó có giải chạy góp phần quan trọng lan tỏa hình ảnh con người, văn hóa, du lịch của Thủ đô đến bạn bè, du khách trong nước và ra quốc tế.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài