Tại phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp thời gian tới, được Ủy ban Tư pháp tổ chức, đại diện một số bộ, ngành đã báo cáo cụ thể về việc thực hiện các kiến nghị về nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và đưa ra giải pháp thời gian tới.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an nêu những khó khăn khi xử lý các vụ việc xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em như vướng mắc trong thi hành luật, có các nguyên nhân khách quan và đặc biệt là nguyên nhân chủ quan.
Đồng thời, giải trình trước các vấn đề được đưa ra, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã báo cáo, cung cấp thêm một số thông tin về các vụ án, vụ việc cụ thể cho các đại biểu Quốc hội. Về vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay khi đọc được thông tin về vụ việc, đã chỉ đạo cấp dưới ở cơ quan điều tra của bộ Công an rút ngay vụ án từ Công an TP Hà Nội lên Bộ, chỉ đạo phải khởi tố vụ án, hướng tới tội “hiếp dâm trẻ em”.
Về vụ ông Nguyễn Hữu Linh bị tố giác có hành vi dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay Công an Quận 4, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành điều tra, xử lý, đã làm việc với cháu bé, mẹ của cháu và ông Linh, đồng thời trích xuất camera. Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Liên quan đến vụ việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại, dư luận và nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề, đây có phải vụ việc rất nghiêm trọng không mà thời hạn xử lý tin báo tố giác tội phạm buộc phải kéo dài? Dữ liệu trích xuất camera thể hiện có việc đương sự Nguyễn Hữu Linh dùng vũ lực thì mới ôm hôn được cháu bé. Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng nêu rõ, với tội dâm ô trẻ em, luật không quy định vấn đề có yêu cầu của bị hại mới khởi tố, xử lý nên việc gia đình cháu bé đề nghị không tiếp tục điều tra, xử lý cũng không phải là căn cứ để không xem xét, khỏi tố vụ việc.
Đồng tình với các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc “với tội dâm ô trẻ em, kể cả gia đình cháu bé không đề nghị khởi tố thì vẫn có thể khởi tố”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật để làm rõ vụ việc.
Với câu hỏi từ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp về việc “đây có phải là vụ việc phức tạp để phải kéo dài thời hạn xử lý tin báo tố giác tội phạm hay không?”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, trong vụ việc này, chứng cứ rất quan trọng, cần trích xuất dữ liệu camera, vì cháu bé ở tuổi còn nhỏ. Khi trích xuất camera phải phóng đại ra, phân tích từng chi tiết một, để công an làm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thực sự khách quan.
Về công tác phòng ngừa, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, một số trường hợp xảy ra sàm sỡ, dâm ô trẻ em vừa qua có dấu hiệu sử dụng rượu, bia, do đó, cần đặc biệt lưu ý việc này. Đề nghị nghiên cứu sửa quy định của Bộ luật Hình sự 2015 cho rõ hơn. Đồng thời cần bổ sung quy định về luật pháp. Về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cũng phải làm rõ. Hành vi ôm ấp, hôn hít có phải dâm ô không? Hay tội quấy rối tình dục?.... Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Công an cũng kiến nghị phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính bởi trong nhiều lĩnh vực, chế tài chưa đủ để răn đe.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân cũng như gia đình của nạn nhân. Các đại biểu cũng cho rằng, không chỉ vấn đề người lớn xâm hại trẻ em mà trên thực tế đã và đang diễn ra tình trạng trẻ em trong độ tuổi 14,16 tuổi xâm hại những trẻ em ít tuổi hơn mình.
Tuy nhiên, trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung vẫn gặp những khó khăn, bất cập. Qua phân tích một số vụ việc, có thể thấy khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến việc áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm. Chưa có quy đình tố tụng đặt biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em; còn hạn chế trong nhận thức pháp luật và trong nghiệp vụ.
Có đại biểu cũng cho rằng, một số vụ án xâm hại trẻ em giải quyết không đúng pháp luật, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật, thậm chí còn có nguyên nhân do chưa quán triệt đầy đủ quy định mới của Bộ Luật hình sự năm 2015; hoặc do quá thận trọng, cầu toàn nên đã kéo dài thời gian giải quyết hoặc không xử lý vụ án, gây dư luận không tốt. Do đó, đề nghị các cơ quan cần đánh giá đúng nguyên nhân của những hạn chế trong việc giải quyết một số vụ án thời gian qua chủ yếu là do tổ chức thực hiên pháp luật và nhận thức pháp luật, để từ đó có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng giải quyết án.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao phòng ngừa tội phạm này. Ngoài ra, Tòa án Nhân dân Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của Tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi. Trước việc thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, các ý kiến đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này.