Thứ trưởng Bộ TT&TT: Có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/10, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo: “Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long”, sự kiện do báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Phan Tâm cho rằng: Có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh Nhật Huy.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Phan Tâm cho rằng: Có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh Nhật Huy.

Sáng 29/10, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo: “Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long”, sự kiện do báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu, một trong những đột phá chiến lược để thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng đề ra là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, Chiến lược và chương trình chuyển đổi số quốc gia đang được tích cực triển khai thực hiện. Năm 2021, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được thành lập gồm 16 thành viên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Chủ tịch Ủy ban; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là Phó Chủ tịch Ủy ban.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Ảnh Nhật Huy.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Ảnh Nhật Huy.

“Việc thành bại trong công cuộc này là một trong những yếu tố quyết định nhất việc chúng ta có thực hiện được ước mơ, khát vọng xây dựng thành công đất nước Việt Nam hùng cường vào khoảng năm 2045 – 2050 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra hay không”, ông Sơn nói.

Nhà báo Lê Xuân Sơn thông tin, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Và năm 2022, năm đầu tiên nước ta có Ngày chuyển đổi số quốc gia, ngày 10/10.

Phải chuyển đổi số giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Phan Tâm cho rằng: Có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số. Đầu tiên là nhiệm vụ phát triển mạnh hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây; kế đến là nhiệm vụ thông minh hóa hạ tầng các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số…

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị tập trung thảo luận làm rõ, cụ thể các bài toán phát triển cần giải quyết. Theo ông Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình.

Bên cạnh đó, phải chuyển đổi số giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn. Về y tế, nên chuyển đổi số bằng cách ứng dụng "Bác sĩ AI" có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động; triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để mỗi người dân có một bác sĩ riêng, được kết nối các bệnh viện Trung ương và địa phương, sử dụng bác sỹ tốt nhất cho người dân trong Vùng; Mỗi người dân một sổ sức khỏe điện tử theo suốt cuộc đời.

Về giáo dục, Thứ trưởng Phan Tâm gợi mở, chuyển đổi số bằng các chọn nền tảng dạy, học trực tuyến, học sinh nông thôn cũng được giảng dạy bởi giáo viên tốt nhất ở thành thị/nước ngoài, học sinh mọi miền đều có cơ hội tiếp cận học liệu như nhau; công tác giảng dạy được hỗ trợ bằng AI, học sinh được hỗ trợ tự học, cá thể hóa theo trình độ, năng lực.

“Vùng nên cân nhắc chọn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số. Cho phép, thúc đẩy đại học số. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Đại học số thì sinh viên vẫn ở nhà, vẫn cày cấy giúp bố mẹ và vẫn học đại học. Đại học số thì nhiều người có thể học đại học. Đại học số có thể giúp giải quyết bài toán thiếu nhân lực số…”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Cần Thơ xác định chuyển đổi số trên 3 trụ cột

Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và chuyển đổi số là hoạt động tất yếu cần được ưu tiên triển khai.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo quyết liệt; các Bộ Ngành trung ương, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh, phấn đấu hòa nhập kịp thời với xu thế hiện nay trên toàn cầu.

Thành phố Cần Thơ, với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL có những thuận lợi về kinh tế - xã hội, vị trí địa lý. Vì vậy, việc phải đi nhanh, đi trước trong khai thác tiềm năng thế mạnh của thành phố để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số của vùng là xu thế tất yếu.

Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Chuyển đổi số còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng. Ảnh Nhật Huy
Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Chuyển đổi số còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng. Ảnh Nhật Huy

Theo ông Dương Tấn Hiển, hiện nay thành phố Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số cấp thành phố. Các ngành, địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện...

“Theo đánh giá, vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài việc chuyển đổi số gắn với mục tiêu phục vụ người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng”, ông Dương Tấn Hiển bày tỏ.