Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tục hải quan: Mục tiêu ASEAN-4 còn xa

Trâm Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thời gian thông quan vẫn còn dài, chi phí cao và thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn còn nhiều khó khăn” - đó là những chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Đồng thời đánh giá, mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới bằng hoặc vượt mức trung bình các nước ASEAN-4 và hướng tới mục tiêu các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) còn rất nhiều việc phải làm.

 Làm thủ tục hải quan tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hải Linh
Báo cáo Mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018, vẫn còn còn 18% thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định. 15% DN cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí. Bà bình luận gì về điều này?
- Tôi cho rằng, những phàn nàn của DN không sai. Tiếng là thủ tục hải quan điện tử để giảm thiểu thời gian, tăng cường minh bạch, giảm sự tiếp xúc của DN với công chức nhưng hiện nay một số nơi, một số ngành, lĩnh vực đang ứng dụng CNTT một cách nửa vời. Tức là dù nộp hồ sơ trên mạng nhưng còn rất nhiều khâu khác vẫn phải làm việc trực tiếp. Thủ tục qua cơ quan Hải quan phụ trách chỉ chiếm khoảng 28%, còn đến 72% thời gian thông quan là thực hiện thủ tục tại các cơ quan có liên quan (thủ tục kiểm tra chuyên ngành). Dù quy về một cửa nhưng muốn qua cửa đó, cần phải bôi trơn các cửa ngách mới thông qua được. Như vậy càng làm mất thời gian, tăng chi phí gấp đôi cho DN.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm năm 2018, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành?

- Thực tế tỷ lệ cắt giảm đăng ký kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành ở một số bộ vẫn thấp. Trong số 50% ĐKKD nói cắt bỏ nhưng chỉ gỡ hoàn toàn 10%, 40% còn lại đơn giản hóa thủ tục, nên có độ trễ và “phụ thuộc vào thái độ làm việc của cấp dưới”. Nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong bộ. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết, trừ kiểm tra ATTP.

Bà đánh giá thế nào về mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới bằng hoặc vượt mức trung bình các nước ASEAN-4?

- Tôi cho rằng phải quyết liệt, nếu không rất khó. Thủ tướng yêu cầu cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia… Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của DN... Tuy nhiên, những điều trên vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Thậm chí, nhận thức ở những cơ quan Nhà nước khác nhau, nhiều khi còn hiểu sai.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm là để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, song hiện nay, nhiều cơ quan chưa áp dụng vì thế tần suất kiểm tra vẫn còn cao trong khi thực tế tỷ lệ kiểm tra phát hiện ra vi phạm rất thấp (0,06%).

Phải gánh những khoản chi phí này, liệu DN của có còn cơ hội để “lớn”? Theo bà, có cách nào để khắc phục tình trạng trên. Làm thế nào đạt mục tiêu ASEAN-4?

- Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, việc cải cách mang tính đột phá, sâu rộng, hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa rất quan trọng. Cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới sẽ là cạnh tranh về thể chế. Các quy định thương mại lỗi thời kết hợp với các TTHC rườm rà, không minh bạch tạo ra một gánh nặng rất lớn với DN và nền kinh tế.

Đến cuối năm 2018, có 148/283 TTHC được kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia, (chưa nói đến việc đã kết nối rồi nhưng khi làm thủ tục lại tắc, nghẽn cũng có thể do con người). Các bộ, ngành phải hoàn thành việc kết nối 135 TTHC; đồng thời, tham gia và triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Tất cả các TTHC của các bộ ngành nên về một chỗ, tránh tình trạng chồng chéo. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn mặt hàng để kiểm tra phải được ban hành, phân cấp, công bố rất rõ, tránh tình trạng kiểm tra “không có tiêu chuẩn, quy chuẩn”. Minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, chế độ quản lý và chi phí…

Chính phủ nên khôi phục “cơ chế máy chém”, nếu bộ, ngành không cắt giảm thì Chính phủ quyết định cắt giảm các điều kiện không hợp lý mà không cần phải chờ các bộ, ngành. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và nâng cao trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Xin cảm ơn bà!
Cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển theo Hội đồng tư vấn cải cách chính sách của Chính phủ, sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 là 480 tỷ USD, tỷ lệ này tương đương 4,8 triệu USD/ngày, đồng nghĩa mỗi năm Việt Nam "mất không" gần 1,72 tỷ USD.