Mệt mỏi vì kiểm tra chuyên ngành
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương Lương Thu Hương cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu rất mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành. Bởi thủ tục kiểm tra chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ.
Dù đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Hơn nữa, đã nộp thuế qua online, nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan.
Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan.
Băn khoăn về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng Lê Mạnh Cương chia sẻ, trong thời gian qua các bộ, ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên.
Đơn cử như thủ tục kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản, hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.
Trên thực tế, doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW), nhưng khi thông quan, cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn thực hiện công đoạn thủ công.
“Doanh nghiệp phải in giấy chứng nhận kiểm dịch trình cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống, lúc đó tờ khai mới được thông quan” - ông Cương dẫn chứng.
Đáng nói, khi thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Trong khi đó vẫn còn phổ biến tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, khác biệt tùy theo bộ ngành và loại hình hàng hóa, trong khi cách hiểu và cách triển khai của các bộ lại chưa thống nhất.
Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà… Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục
Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đề xuất: Cơ quan Hải quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận.
Hài hoà các thủ tục hải quan phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan.
Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành cần tập trung cải thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, rà soát hoạt động lấy mẫu kiểm tra vì đây là khâu doanh nghiệp thường phản ánh gặp khó khăn nhất.
Đặc biệt, giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro; rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành.
Khuyến nghị về giải pháp gỡ rào cản về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng: Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, ban hành, chỉnh sửa bổ sung một số văn bản nhằm giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể là loại bỏ các quy định chồng chéo giữa các bộ nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho chính cơ quan quản lý giám sát.
Một điều đáng lưu ý nữa là hiện nay, chưa có nhiều các khóa học theo chuyên đề cho các doanh nghiệp có nhu cầu kế hoạch xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể như: Hướng dẫn quy trình cơ bản trong quá trình tìm hiểu thị trường, văn hóa địa phương, các thủ tục hành chính; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã được thực thi…
Do đó, việc tăng cường các khóa học, tập huấn cho doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời những thông tin biến động của thị trường xuất nhập khẩu song song với đáp ứng các thủ tục hành chính cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, các chính sách hiện hành về xuất nhập khẩu. Tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin để ứng dụng hiệu quả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Liên kết và tận dụng hiệu quả kênh hỗ trợ hiệp hội doanh nghiệp.
Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn