Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tục vay vốn phiền hà, hàng nghìn doanh nghiệp phải vay tín dụng đen

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo kết quả khảo sát PCI năm 2022, có 61% doanh nghiệp đánh giá thủ tục vay vốn phiền hà, khó tiếp cận. Vì vậy, có 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay tín dụng đen.

Cụ thể, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Kết quả khảo sát PCI 2022 cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.

Doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10-20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25-35%.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%). Đáng lưu ý là một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022. Cụ thể là “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” (58,7%), tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% so với 46,2% năm 2021); tình trạng “doanh nghiệp phải ‘bồi dưỡng’ cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% trong khi năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” (49,8% trong khi năm 2021 là 27,4%).

Trung bình khoảng 61% doanh nghiệp đánh giá thủ tục vay vốn phiền hà trong năm 2022 có liên quan đến việc vay từ các ngân hàng tư nhân, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 36% đối với doanh nghiệp đi vay từ ngân hàng có vốn nhà nước. Có thể các ngân hàng có vốn nhà nước có dư địa tín dụng dồi dào hơn, do vậy các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay qua nhóm này trong năm vừa qua cũng thuận lợi hơn.

Trong năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho doanh nghiệp là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, với quy mô 40.000 tỷ trong 2 năm 2022 – 2023. Qua khảo sát, có 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này, song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây (khi tính đến cuối tháng 12/2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỷ đồng cho hơn 1700 khách hàng).

Đáng lưu ý, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. Khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, tiêu chí “có khả năng phục hồi” chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Trường hợp không thể vay vốn được từ các ngân hàng, các doanh nghiệp vẫn phải xoay sở từ các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Năm 2022, có tới 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% từng ghi nhận trong Báo cáo PCI 2021. Có 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp.

Đáng lo ngại hơn cả, có tới 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen” (tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021). Đương nhiên, lãi suất khoản vay “tín dụng đen” là rất cao. Khảo sát PCI ghi nhận lãi suất trung bình các khoản tín dụng đen là khoảng 46,5%/năm, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng.