Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 22/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017 và trong Báo cáo của Chính phủ tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng nay, Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp
Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 8%, xây dựng tăng 10,5%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%. Tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.
Vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi NSNN, nợ công cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016-2020; chúng ta phải đạt được mục tiêu 6,7% đề ra cho năm 2017 để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 5 năm mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên giao ban, cập nhật tình hình và chủ động có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.
Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo và các Bộ ngành, đặc biệt là các Bộ quản lý sản xuất như các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông và Vận tải báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện từng chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực tại các Phiên họp Chính phủ hàng tháng. Các Bộ, ngành tổng hợp như các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 đã đề ra, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để tập trung triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Kiểm soát CPI cả năm không quá 4%

6 tháng còn lại của năm 2017, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tiếp tục kiên trì thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong định hướng cải cách chung, trong đó xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn liền với cải cách hành chính; Tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; Xử lý vấn đề về tổ chức phát triển thị trường trong nước, tăng cường trật tự thị trường, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh quản lý hoạt động bán hàng đa cấp bất chính… Bên cạnh đó, Bộ cũng xác định những mục tiêu chiến lược trong điều hành vĩ mô để bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm không quá 4%; Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo nhằm đưa chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm đạt trên 8% đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của cả nước…

Nguyên Dương ghi


Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc:

Cần xử lý dứt điểm dự án kém hiệu quả

Vấn đề giải quyết nợ xấu và vấn đề xử lý đối với các dự án kém hiệu quả hiện nay đang được coi là nút thắt, các cục máu đông trong nền kinh tế và là vấn đề rất quan trọng. Cần phải có biện pháp dứt điểm đối với các dự án này để có thể khơi thông các nguồn vốn trong xã hội, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm được lãi suất cho vay trong thời gian tới và đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh. Chúng ta sẽ giải quyết theo hướng làm sao để các đơn vị sử dụng không có hiệu quả tài sản, nguồn lực Nhà nước buộc phải nhường lại nguồn lực đó cho các thành phần kinh tế và các tổ chức khác sử dụng hiệu quả hơn.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt, chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới kinh tế vĩ mô, kéo theo chỉ số nợ công, bội chi ngân sách đều tăng vọt lên. Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong năm 2016, nhiều vấn đề về KTXH chưa giải quyết một cách rốt ráo nên đã để lại hệ lụy trong năm 2017. Nhóm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng mà Chính phủ đề ra trong báo cáo cho thấy, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư công. Như vậy, những vấn đề như nâng cao hiệu quả sản xuất của DN, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của cả nền kinh tế cũng như xã hội. Vì thế, Chính phủ đã trình ra Dự thảo Nghị quyết nợ xấu và Dự thảo Luật xử lý các TCTD. Hy vọng bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, chúng ta sẽ có các giải pháp căn cơ về xử lý nợ xấu, các TCTD để có được hệ thống các TCTD lành mạnh, qua đó hạ được lãi suất vay, làm cho nền kinh tế có được sức cạnh tranh cao hơn. Đó cũng chính là hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu cho DN phát triển.

Nguyễn Vũ ghi