Hôm nay là “Lễ kỷ niệm 45 năm hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” (20/6/1977 – 20/6/2022) và chúng ta tổ chức khánh thành một số hạng mục trong khu tưởng niệm ở khu Koh Thmar X16 ở huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum.
Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới ngài Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu đến dự buổi lễ, gặp gỡ người dân Campuchia và khánh thành một số hạng mục trong khu tưởng niệm này.
Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho tôi thắp hương và gặp gỡ những người dân Việt Nam đã cứu mạng tôi 45 năm về trước.
Nhân đây, tôi xin đưa ra một số câu hỏi để các đại biểu trong và ngoài nước cùng thảo luận và làm rõ.
Câu hỏi thứ nhất: tôi có nên sang Việt Nam hay không? Nếu tôi không thực hiện việc này (sang Việt Nam tìm đường cứu nước) thì rõ ràng tôi sẽ chết và không rõ diễn biến sau này sẽ thế nào vì thời kỳ đó, không ai có thể xin gì từ Pol Pot…. Pol Pot có thể giết hết mọi người.
Câu hỏi thứ hai: hành trình này dẫn đến đâu? Hành trình tiến tới lật đổ chế độ Pol Pot đã mang lại hòa bình, tiến tới Hiệp định hòa bình Paris, tiếp tục tiến tới thắng lợi cuối cùng là thực hiện chính sách “Thắng - Thắng” hòa hợp và độc lập dân tộc, vượt qua mọi khó khăn để trở thành nước có thu nhập trung bình, với tỷ lệ đói nghèo dưới 10%.
Năm nay là Lễ kỷ niệm 45 năm hành trình của tôi và cũng kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao hai nước. Tôi cần giải thích để mọi người hiểu là tôi có 4 lựa chọn vào thời điểm đó:
- Sử dụng lực lượng 1 Trung đoàn của tôi khoảng 2000 người, sau này bị chia nhỏ và một số bị giết. Tôi có thể chỉ huy 1500 người tấn công huyện Memot này. Tuy nhiên cách này rất liều lĩnh và lực lượng này có thể bị tiêu diệt sau vài tuần.
- Sang Việt Nam để xây dựng lại lực lượng.
- Không làm gì cả để Pol Pot giết.
- Tự sát.
Cuối cùng tôi đã quyết định lựa chọn thứ hai là tìm đường sang Việt Nam để xây dựng lại tổ chức kháng chiến. Để đưa ra lựa chọn này là rất khó khăn bởi tôi phải rời xa tổ quốc, rời xa người vợ đang mang thai 5 tháng, không phải chuyện đùa đối với một thanh niên mới chỉ 25 tuổi như tôi hồi đó. Tuy nhiên, chỉ khoanh tay nhìn hay để Pol Pot giết hại hoặc tự sát đều không phải lựa chọn tốt. Dù chỉ có 1% hy vọng, hoặc ít hơn tôi vẫn phải làm việc này.
Ngài Phạm Minh Chính vừa rồi đã tổng kết rất rõ ràng về quan hệ giữa hai nước chúng ta trong giai đoạn lịch sử này. Những năm 70 lực lượng Campuchia rất nhỏ, quân đội Việt Nam là chủ lực, luôn đi trước tấn công, quân đội Campuchia đi sau…
Trong 5 người chúng tôi sang Việt Nam thời đó, 2 người đã mất. Tôi đã quyết định đúng khi không đưa cả Trung đoàn sang mà chỉ đưa một số người, trong đó có 4 người sắp bị Pol Pot bắt. Nếu mang nhiều người sẽ bị hiểu lầm là mang quân sang tấn công Việt Nam, bởi lúc đó Pol Pot đã tấn công một số khu vực của Việt Nam.
Đó là thời điểm rất nguy nan. Khi sang đến Việt Nam, tôi nhìn về phía Campuchia và nước mắt lưng tròng, tự nghĩ 13 tuổi đã phải rời xa gia đình do không có trường học và 25 tuổi phải rời bỏ tổ quốc. Sáng nay lúc thắp hương tại địa điểm dừng chân khi vào Việt Nam, tôi đã khóc…Tôi không cầm được nước mắt vì những đau khổ của mình 45 năm trước. Tôi tưởng tôi sẽ bị bắt lúc vào Việt Nam, nhưng ngược lại tôi lại được chào đón và được mời ăn bữa cơm do người Việt Nam nấu.
Chúng tôi hồi ấy không được ăn cơm đã hơn một năm rồi. Vào lúc 2 giờ chiều hôm trước, tôi đã cho mở kho lương và chia cho binh sỹ của cả Trung đoàn, và tôi không nhận bất cứ hạt gạo nào.
Khi rời Campuchia sang Việt Nam, Tôi phải viết thư cho vợ, một bức thư rất khó viết, vì tôi không dám viết trong thư sẽ đi đâu, và không rõ khi viết xong bức thư này có chết hay không; hoặc khi sang bên kia biên giới bị đánh úp bởi một lực lượng nào đó…Bức thư này đang được dựng thành phim. Giờ đang có một bộ phim quay được 20 phần trăm; có khoảng 50 tập cho đến 54 tập, sẽ ra mắt vào năm 2023.
Nếu không có ngày 20/6/1977 thì cũng không có ngày 12/5/1978, và nếu không có ngày 12/5/1978 (ngày thành lập Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, đơn vị tiền thân của cách mạng Campuchia do Samdech Hun Sen làm chỉ huy trưởng) thì cũng không có ngày 02/12/1978 (ngày thành lập Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do Samdech Heng Som-rin làm Chủ tịch, Samdech Hun Sen làm Ủy viên).
Tôi không phải là người chỉ huy quân đội mà là người thành lập quân đội. Việt Nam đã đồng ý cho tôi xây dựng lực lượng sau khi tôi gặp ngài Trần Văn Trà lúc đó là Tư lệnh Quân khu 7, và Ngài Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (ngày 27/9/77); Ngài Trần Văn Trà nói với tôi Việt Nam chỉ hỗ trợ về hậu cần, huấn luyện, về chính trị thì Campuchia chịu trách nhiệm. Tôi nói không ai hiểu rõ người Campuchia hơn người Campuchia và người soạn giáo trình cho quân đội chính là tôi.
Việt Nam đã dành đất gìn giữ hài cốt quân nhân chúng ta ở Việt Nam. Bây giờ để cho các quý Ngài (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh) xem xét có nên mang hết số hài cốt về Campuchia hay không và chôn cất tại khu vực lịch sử này. Việt Nam đã và đang hồi hương hài cốt quân nhân Việt Nam, chúng ta cũng nên hồi hương hài cốt của các chiến sỹ Mặt trận đoàn kết cứu quốc Campuchia.
Tháng 5/1978, có nhóm nổi dậy của Samdech Heng Sam- rin và Samdech Chia Xim và chúng tôi đã bắt tay cùng nhau để mở rộng lực lượng kháng chiến; kết hợp với các lực lượng yêu nước khác thành lập Mặt trận đoàn kết cứu quốc của Campuchia. Thông qua việc thành lập Mặt trận này vào ngày 02/12/1978 mà ta tiến tới giải phóng đất nước vào ngày 07/1/1979, một số bà con đã biết, và lịch sử cũng khắc ghi về sự can thiệp của quân đội Việt Nam để cứu người dân
Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Và muốn biết việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia đúng hay sai thì hãy hỏi Tòa án hỗn hợp Liên hợp quốc và Campuchia. Bản án của tòa án này đối với bè lũ Pol Pot là sự công nhận của Liên hợp quốc rằng hành động của Việt Nam là đúng đắn, nếu hành động của Việt Nam không đúng, cần gì phải xét xử bọn Khmer Đỏ.
Một số người nói rằng tôi là người dẫn quân đội Việt Nam vào “giết hại” nhân dân Campuchia; vậy xin hỏi có bao nhiêu người dân Campuchia bị Việt Nam giết hại? Hay là khởi đầu từ chỗ nhân dân Campuchia chỉ có 5 triệu người, ngày nay đã lên đến 17 triệu; như vậy sau 45 năm kể từ khởi đầu hành trình cứu nước của tôi thì dân số của Campuchia đã tăng thêm 12 triệu.
Nhờ Việt Nam giúp đỡ cứu tính mạng người dân Campuchia, dù chúng ta phải chịu sự bất công trong một thời gian dài khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia bị Liên hợp quốc áp đặt trừng phạt, Việt Nam cũng bị “trừng phạt” với cáo buộc xâm lược Campuchia. Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam đã được nhận lại công lý cùng với Đảng Nhân dân Campuchia.
Thành công của việc xét xử Khmer Đỏ đã mang lại công bằng cho lực lượng kháng chiến của Campuchia với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam.
Tôi xin khẳng định không phải Việt Nam rút quân sau Hiệp định Hòa bình Paris và cần làm rõ điểm này. Việt Nam rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia vào ngày 30/9/1989, nghĩa là trước Hiệp định Hòa bình Paris 2 năm. Đó là thời điểm ta đang xây dựng lực lượng của mình, tuy nhiên chúng ta có kể kiểm soát được tình hình. Và mặt quốc tế về vấn đề Campuchia cũng đã kết thúc, bởi giải pháp về Campuchia có hai vấn đề là bối cảnh trong nước và quốc tế. Vì vậy, khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia thì mặt quốc tế được giải quyết, chỉ còn lại mặt nội bộ, mang lại cho Campuchia cơ hội cho nhiều bên liên quan cùng tham gia giải quyết, kể cả các Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, để đạt được Hiệp định hòa bình Paris. Đây là điểm lịch sử mà ta cần nhắc lại, bởi một số người cho rằng Việt Nam rút quân là do Hiệp định Hòa bình Paris. Điều này không đúng với tình hình thực tế ở Campuchia….
Dịp kỷ niệm 45 năm hành trình cứu nước của tôi cũng trùng với dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. Tôi vừa ký thư gửi Ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng. Đảng Nhân dân Campuchia đã có quan hệ với Việt Nam trong 2/3 quãng thời gian này.
Nhiều năm qua Việt Nam và Campuchia luôn nỗ lực trong công tác biên giới; nhờ đó chúng ta đã ký văn kiện công nhận thành quả 84% phân giới cắm mốc. Chúng ta đang tiếp tục giải quyết 16% còn lại. Hai bên đang tiếp tục thảo luận với nhau.
Một số người nói rằng Hun Sen “chịu ơn” Việt Nam và phải cắt đất cho Việt Nam. Nếu tôi cắt đất cho Việt Nam thì đã không cần phải bỏ ra thời gian 41 năm để đàm phán với Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn đất Campuchia thì Việt Nam đã lấy từ khi còn có quân đội ở Campuchia. Vào thời điểm đó, mặc dù Việt Nam đóng quân ở Campuchia, tôi với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao đã ký kết Hiệp ước vùng nước lịch sử. Chúng ta cũng đã ký Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983 và Hiệp ước về hoạch định biên giới năm 1985. Năm 2005 tôi đã cùng với Ngài Phan Văn Khải ký Hiệp ước bổ sung 2005. Vào năm 2019, tôi đã cùng Ngài Nguyễn Xuân Phúc ký Hiệp ước bổ sung 2019….
Tôi xin khẳng định với nhân dân Campuchia trong và ngoài nước, thông qua báo chí truyền thông và trước mặt Ngài Thủ tướng Việt Nam tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ 1 milimet, và tôi cũng không muốn đất Việt Nam dù chỉ 1 milimet…. Việt Nam không có nhu cầu lấy đất của ta, ta cũng không có nhu cầu lấy đất Việt Nam.
Như Ngài Phạm Minh Chính nói, chỉ mới có 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia đã đạt trên 5 tỷ USD. Trước khi có dịch covid-19, chúng ta chỉ đề ra mục tiêu 5 tỷ USD cho cả năm; nhưng chúng ta đã đạt được hơn 9 tỷ USD. Hy vọng rằng năm nay kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt trêm 10 tỷ USD bởi đường biên giới của chúng ta là đường biên giới hòa bình, hợp tác để phát triển. Ở khu vực này (giữa tỉnh Tbong Khmum và Bình Phước) sau này có thể mở cửa khẩu quốc tế. Hiện nay chưa thống nhất được vì chúng ta còn có một số việc cần phải làm và cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đề nghị của ngài Sao Sokha (Phó Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia) và ngài Chea Sophara (Bộ trưởng Bộ Quy hoạch đô thị, đất đai và xây dựng), tôi đã quyết định giữ lại 1.176 hecta ở khu vực này để dự phòng mở khu kinh tế đặc biệt, xây dựng nhà máy hoặc sau này có thể trở thành nơi trao đổi hàng hóa bởi khu vực này gần với cảng biển của Việt Nam… Hoặc có thể trở thành khu chế biến, bởi nông sản của Campuchia ở đây và khu vực Đông bắc rất nhiều. Tôi đề nghị hai bên xem xét về một số cơ chế, và tôi muốn có một số quy định đặc biệt đối với khu vực này…tạo điều kiện cho người dân hai bên qua lại.
Tôi rất vui mừng với Lễ kỷ niệm ngày hôm này và bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đại diện cho phía Việt Nam. Tôi rất hài lòng ôn lại quá trình lịch sử đã gắn kết hai dân tộc chúng ta. Trước khi buổi lễ bắt đầu, tôi đã sang phía Việt Nam, gặp gỡ những người đã cưu mang, giúp đỡ tôi vào thời điểm đó. Đối với tôi, một bữa cơm thời đó có giá trị bằng hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu tấn gạo của ngày hôm nay. Chính vì vậy nên tôi mới nói rằng: “Gian nan mới biết bạn hiền, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau” …
Xin cảm ơn sự tham gia của các Samdech, các quý ông, quý bà…
Chúc mối quan hệ Campuchia – Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.