Thủ tướng chỉ thị tăng cường bảo đảm ATGT đường thủy nội địa

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 23/CT-TTg chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, từ năm 2011 đến năm 2014, tai nạn giao thông đường thủy giảm liên tục cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, năm 2015, số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 21,77%, số người chết tăng 20,34%, số người bị thương tăng 44,44% so với năm 2014. 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường thủy tuy có giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, tình trạng vi phạm pháp luật về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, điều kiện của thuyền viên, cảng, bến không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn... vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Phấn đấu giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy

Để tiếp tục ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước đường thủy nội địa khu vực ven biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm kéo giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy 6 tháng cuối năm để bảo đảm mức giảm chung của cả năm 2016 từ 5% đến 10%.

Đồng thời, tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, hoàn thành trong năm 2017; đổi mới mô hình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; chỉ đạo tổng kiểm tra các cầu, đường dây tải điện, đường ống vượt sông; có giải pháp khắc phục đối với những công trình không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa.

Cấm phương tiện xuất bến khi chở quá tải

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng của Bộ phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công an thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo; tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm.

Khắc phục "điểm đen" tai nạn giao thông

Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định...; phát hiện và khắc phục dứt điểm các "điểm đen" tai nạn giao thông đường thủy; chỉ đạo làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn đối với thuyền viên và tàu cá đánh bắt thủy sản như đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá...; việc đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện khai thác thủy sản cần bồi dưỡng kiến thức Luật giao thông đường thủy nội địa khi tàu cá hoạt động trong vùng nước thủy nội địa.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, xã phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn; Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học vận động các tổ chức, cá nhân trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".