Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp Nhà nước: “Tôi rất trăn trở”

Nha Trang - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/3, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp Nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước". Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh dự và phát biểu tại đầu cầu Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN

“Các đồng chí có cảm xúc gì khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Có khó khăn, băn khoăn, trăn trở, vướng mắc gì không? Còn tôi, tôi rất trăn trở” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sau khi nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại Hội nghị. Thủ tướng đề nghị, các DNNN, tập đoàn kinh tế tập trung vào những vấn đề vướng mắc, khó khăn, đề xuất giải pháp để khai thông nguồn lực của khối DN này.

Thông qua Hội nghị, hai vấn đề sẽ được tập trung làm rõ. Một là Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe những vướng mắc, khó khăn mà DNNN đang phải đối mặt để giải quyết vấn đề, đặc biệt là gắn với triển khai Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025". Thứ hai, DNNN có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả, vì vậy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết cũng rất buồn vì DNNN có tiềm lực, có cố gắng nhưng sự phát triển đâu đó vẫn rất chậm. Vì vậy, cần phải có các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách mở ra để phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016 (tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3%); lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016 (tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2016 - 2020 là 1%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Một số công ty mẹ có tổng doanh thu năm 2020 tăng lớn so với năm 2016 như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,08 lần so với năm 2016; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD) có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,68 lần so với năm 2016; Tổng công ty Đông Bắc có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,35 lần so với năm 2016...

Bên cạnh đó, công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất so với các doanh nghiệp khác (tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên tổng tài sản cao nhất so với các khu vực khác). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 13%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 5%.

Trong số đó nhiều doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhanh như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với doanh thu năm 2016 là 1.314 tỷ đồng, năm 2020 là 4.382 tỷ đồng; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp với doanh thu năm 2016 là 362 tỷ đồng, năm 2020 là 827 tỷ đồng; hầu hết công ty môi trường, công trình đô thị, công ty cấp nước và kinh doanh nước sạch thuộc các địa phương đều có doanh thu tăng trưởng nhanh.

Xét về đóng góp cho NSNN, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 2 lần doanh nghiệp có vốn nhà nước, 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Các DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN năm 2020 là 241.728 tỷ đồng (trong đó tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con là 202.569 tỷ đồng, chiếm 84%), tăng 4% so với năm 2016.

Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (trong đó có khoảng 0,43 triệu lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng (trong đó, khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt khoảng 14 triệu đồng, khu vực các doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối đạt 23,2 triệu đồng).

Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2021, khu vực doanh nghiệp trong nước có hiệu suất sử dụng lao động cao hơn khu vực doanh nghiệp FDI, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động đạt 18,9 lần; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 17 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13 lần. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng... đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.