Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ giao 4 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành công thương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay 11/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TP HCM triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Năm 2013, ngành Công thương đặt mục tiêu đạt giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp (CN) và xây dựng tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) 126,1 tỷ USD, tăng 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái. Tỷ lệ nhập siêu do với tổng kim ngạch XK phấn đấu ở mức 8%; chỉ số giá tiêu dùng phấn đấu tăng ở mức 8%.

Để đạt mục tiêu này, ngành công thương sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp cụ thể. Quan trọng nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, ngành sẽ tích cực tham gia đảm bảo ổn định thị trường, thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, nhất là các điểm nóng, vùng giáp biên... nhằm tạo cơ hội tăng thị phần hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách của Nhà nước đến người dân; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ giao 4 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành công thương - Ảnh 1

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2013 còn nhiều khó khăn, mà trước mắt là hàng tồn kho, nợ xấu của DN còn nhiều. Trong quá trình hội nhập, công tác quản lý XNK, quản lý thị trường còn nhiều vấn đề... Ngành cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế này để tìm giải pháp thích hợp cho thời gian trước mắt và cả lâu dài. Từ đó, Thủ tướng giao ngành công thương 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013.

Thứ nhất, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy SXKD, hỗ trợ thị trường thông qua các hiệp hội ngành hàng, giúp DN giải quyết hành tồn kho, nợ đọng, tiếp cận tính dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Để giải quyết hàng tồn kho, trước hết phải tập trung đẩy mạnh thị trường trong nước, tăng cường hỗ trợ cho các DN chế biến, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục tạo thuận lợi cho DN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chủ trương các DN, tập đoàn tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau, triệt để tận dụng thị trường nội địa 90 triệu dân rộng lớn, đi liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Song song với mở rộng thị trường, cần quyết liệt làm tốt quản lý thị trường, bảo vệ hàng nội trước hàng lậu tràn ngập, hàng giả, kém chất lượng… Ngay trong dịp Tết Quý Tỵ, cần đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân gắn với kiểm soát lạm phát, giá cả ngay từ đầu năm. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, các tỉnh đảm bảo nguồn hàng, nhân rộng các mô hình bình ổn giá có lợi cho người dân.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả XNK, đẩy mạnh XK và kiểm soát NK, tạo điều kiện hỗ trợ DN làm hàng XK để tạo việc làm và tăng trưởng, nhất là phải tranh thủ các thị trường cũ và tích cực khai thác thị trường mới. Không thỏa mãn kết quả kiềm chế NK năm qua, ngành cần kiểm soát thật chặt việc NK trong năm nay. Để làm được nhiệm vụ rất quan trọng này, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, vốn, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại... cho DN, song song với chuyên nghiệp hóa trong công tác bảo vệ thị trường trong nước, chống chuyển giá, chống phá giá...

Thứ ba, với công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, ngành công thương có vai trò rất quan trọng. Ngành cần nhanh chóng rà soát chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, bởi mục tiêu CNH – HĐH đất nước Việt Nam đặt ra cho năm 2020 mà hiện đã rất gần thời điểm đó nhưng vẫn chưa rõ “hình hài” của những ngành công nghiệp then chốt là gì.

Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nhà nước. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm xây dựng thể chế chính sách hỗ trợ DN, nhất là về quản lý thị trường hàng hóa tiêu dùng, thị trường xăng dầu. Đặc biệt, Bộ cũng cần quan tâm việc giải trình giải đáp cung cấp thông tin cho người dân, như giá điện, giá xăng dầu... cần minh bạch công khai hơn. Riêng ngành điện cần tính toán quy hoạch để đủ điện cho đất nước, đi liền chất lượng đảm bảo ổn định, tiết kiệm điện, tiến tới đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường điện cạnh tranh (bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh) so với lộ trình, song vẫn phải đảm bảo minh bạch. Ngành xăng dầu phải xây dựng thị trường minh bạch, công khai giá thành, khuyến khích cạnh tranh để Việt Nam thực sự có “giá thị trường”.

“Ngành công thương phải nỗ lực phát huy những kết quả tốt trong năm 2012 và ra sức khắc phục yếu kém để thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt cho năm 2013, vừa đảm bảo phục vụ nhiệm vụ CNH - HĐH đất nước năm 2020”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận.