Hơn 1 tháng sau tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh: "Chính phủ, Nhân dân và Bác sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này". Bức thư này đến nay vẫn được xem là minh chứng rõ nhất cho thấy thông điệp của Bác Hồ về vai trò quan trọng của giới công thương.
Sự ghi nhận xứng đáng
Phát biểu khai mạc TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: Lễ kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam và trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019, được diễn ra đúng vào ngày mà 74 năm về trước Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, động viên họ mau mau tham gia công thương cứu quốc đoàn.
"Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương cũng đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, là ngày để chúng ta ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm theo lời Bác" - TS Lộc nói.
Sau nhiều năm không được ghi nhận, đến năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam - ngày đội ngũ doanh nhân chính thức được định danh và tôn vinh. Doanh nhân Việt Nam được Tổ quốc gọi tên mình. Do vậy, lễ kỷ niệm năm nay được xem như kỷ niệm sinh nhật lần thứ 15 của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch VCCI khẳng định, hơn 1.000 ngày qua, khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn trăn trở cùng doanh nghiệp, đã có những nỗ lực toàn diện tạo hệ sinh thái và môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chủ đề mang theo tuyên ngôn của Chính phủ mới “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, sau cuộc gặp gỡ đó, lần đầu tiên Việt Nam có Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp phát triển hiệu quả vào năm 2020.
Sau đó, hàng loạt những văn kiện, nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia với tư cách là chương trình hành động liên tục đã thể hiện sự bền bỉ của Chính phủ trong mục tiêu Việt Nam trở thành một trong 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN.
Cùng với đó, các hiệp định thương mại tư do được thúc đẩy, chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được thực hiện, các nỗ lực kết nối tạo thuân lợi thương mại... Chính phủ và Thủ tướng đã thành công trong khởi động làn sóng cải cách lần thứ hai, thúc đẩy khởi nghiệp lần thứ hai tại Việt Nam.
Khẳng định những nỗ lực của Chính phủ được cộng đồng ghi nhận ủng hộ, tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, đó chỉ là bước đầu, chặng đường phát triển của các doanh nghiệp còn gian nan, nhiều vấn đề cơ chế của nền kinh tế còn chưa thể giải quyết ngày một ngày hai.
Để hậu thuẫn cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc vượt qua những thách thức này, đổi mới sáng tạo cho phát triển, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ kiên định con đường đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường, một thể chế minh bạch công bằng,... coi trọng sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp...
Động lực vươn ra “biển lớn”
Có mặt tại lễ kỷ niệm, bà Lee Su Jong - Giám đốc khu vực châu Á, Phòng Thương mại Quốc tế và Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới ICC nhận định, hiện nay tinh thần khởi nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của Việt Nam. Doanh nhân mặc dù không thể trực tiếp tạo ra sản phẩm nhưng có thể tạo môi trường phù hợp, khuyến khích sự phát triển các tưởng mới; sự xuất sắc trong quản lý, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và khao khát thành công.
Đặc biệt, theo Giám đốc ICC khu vực châu Á, những thành tựu đáng chú ý mà VCCI đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, đã giúp VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được biết đến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực vì sự sáng tạo và mang lại sự phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, sự cam kết và hỗ trợ tận tình của VCCI và của TS Vũ Tiến Lộc đã giúp cộng đồng doanh nghiệp quốc tế mở rộng tiếp cận, thuận lợi hóa thương mại.
Nói về danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Giám đốc ICC khu vực châu Á cho rằng, có thể coi là một sáng kiến đáng ngưỡng mộ dưới sự lãnh đạo năng động của VCCI trong việc thúc đẩy và khen thưởng những thành tựu và thành công kinh doanh xuất sắc.
Việc kịp thời công bố giải thưởng này cũng phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khuyến khích doanh nhân Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đây cũng là sự cổ vũ các doanh nhân giỏi ở Việt Nam tiến lên, trở thành những hình mẫu doanh nhân xuất sắc.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua.
Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh bất ổn thì đây là thành công lớn và đóng góp vào thành công ấy có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Theo Thủ tướng, hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi Mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân Việt - những người lính thời bình - đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói - một trong những công cuộc thoát nghèo vĩ đại nhất của thế giới đương đại, doanh nhân, doanh nghiệp đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình. Các doanh nhân có sự hy sinh lớn trong xây dựng đất nước, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình và cho xã hội.
Việt Nam đã có hàng triệu doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo việc làm hàng chục triệu người dân, làm việc không ngừng nghỉ, trăn trở về trách nhiệm lớn lao bởi đằng sau không chỉ cuộc sống của gia đình mà còn là hàng chúc hàng trăm nghìn lao động.
Thủ tướng cho biết, 30 năm qua chúng ta đã cùng làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hướng cho bạn bè quốc tế, và 30 năm tới viết tiếp câu chuyện về một Việt Nam phát triển, một Việt Nam ngẩng cao đầu, một Việt Nam hùng cường.
Thủ tướng chia sẻ, trung ương đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2030 tầm nhìn 2045, và mục tiêu của chúng ta chính là hướng tới là một trong những nước thu nhập cao, có thể chế và năng lực cạnh tranh vượt trội nằm trong nhóm nước có nền kinh tế dẫn đầu ASEAN.
"Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục công cuộc cải cách thể chế vươn đến chuẩn mực hàng đầu trong khu vực và thế giới, để tạo môi trường cho sự phát triển bền vững, bệ đỡ cho sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp và doanh nhân. Chính phủ hậu thuẫn cho sự làm giàu của người dân, doanh nghiệp và doanh nhân" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, trong thành công của doanh nghiệp có đóng góp của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có thất bại của chính quyền.
"Tôi đề nghị doanh nghiệp hãy chung tay với Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đổi mới thể chế. Đồng thời, phấn đấu tự nâng cấp mình vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, đổi mới thể chế và doanh nghiệp. Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp chính là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam cất cánh" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, GS Hoàng Chí Bảo đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - người kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhất đã có những chia sẻ về những câu chuyện hết sức thú vị, những tư tưởng cao cả, sâu sắc đối với giới doanh nghiệp, doanh nhân.
Ngay sau lễ kỷ niệm, VCCI đã trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2019 - Cúp Thánh Gióng cho 100 doanh nhân tiêu biểu trên toàn quốc.