Thủ tướng: "Chính phủ kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất"

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tại hội trường này tôi khẳng định Chính phủ kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất khỏi bộ máy".

8h30’ sáng 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên bục trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng báo cáo ngắn gọn trong vòng 15 phút.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nêu rõ, trong những tháng qua, ngay sau khi nhận chuyển giao nhiệm vụ từ khóa trước, Chính phủ đã bắt tay vào việc với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ: Trong những tháng qua với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã hành động quyết liệt, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nói đi đôi với làm, tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tập trung nghiên cứu những vấn đề chiến lược, vĩ mô; đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội...

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động đối ngoại của Chính phủ thời gian qua, Thủ tướng khẳng định: Chúng ta cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2016. Đồng thời Chính phủ cũng quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu năm. Chính phủ nghiêm túc lắng nghe những ý kiến chất vấn của cử tri và đồng bào cả nước để thực hiện tốt nhất kế hoạch đề ra.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng báo cáo giải trình trước Quốc hội một số vấn đề đồng bào và cử tri cả nước quan tâm: Nợ công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý các doanh nghiệp thua lỗ; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, kiên quyết xử lý nghiêm công chức sai phạm...

Mỏ đầu phiên chất vấn Thủ tướng, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ sự đồng tình với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm Thủ tướng đặt ra. Tuy nhiên, dư luận vẫn bất bình với việc kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, công chức vi phạm có hành vi tham ô, tham nhũng... Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính?

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) chất vấn về tái cấu trúc nền kinh tế, nợ xấu... vẫn chưa đạt được yêu cầu, Thủ tướng cho biết giải pháp tiếp theo? Đại biểu cũng hỏi Thủ tướng về tương lai của TPP khi Mỹ có Tổng thống mới là ông Donal Trump?

Đại biểu Tô Văn Tám (kon Tum) chất vấn Thủ tướng về việc hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật và giải pháp để phát huy tiềm năng của Tây Nguyên?

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) hỏi Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả tài sản công. Với 5 dự án thu lỗ ngàn tỉ mà Chính phủ đã báo, đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về môi trường đầu tư kinh doanh, cử tri vẫn lo lắng năm 2017 không đạt được mục tiêu vào top 4 ASEAN. Thủ tướng đánh giá thế nào về việc này? Có giải pháp gì để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh? 

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Thủ tướng có giải pháp đột phá gì cho ngành du lịch?

Trả lời chất vấn Thủ tướng đại biểu Nguyễn Thái Học, về xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất, Thủ tướng khẳng định kiên quyết xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Khẳng định, đây là vấn đề cấp bách, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần có chủ trương hết sức cụ thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho (tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai); đẩy mạnh cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, chống thoái hóa biến chất... đây là những giải pháp phải thực hiện liên tục, kiên trì với tinh thần quyết tâm cao.

Trả lời câu hỏi tài sản công lãng phí mà đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu, Thủ tướng cho rằng đúng là có việc sử dụng tài sản công còn rất nhiều lãng phí. Theo Thủ tướng phải áp dụng nhiều hình thức kiểm soát chặt, chế tài mạnh, thực hiện hình thức khoán. “Đây là một khâu yếu mà chúng tôi cho rằng phải thực hiện mạnh mẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới”. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Quân đối với xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý cho VAMC, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh nợ xấu mới; minh bạch trong giải quyết nợ xấu;...

Về tương lai của Hiệp định TPP, tinh thần của Việt Nam là sẵn sàng tham gia hiệp định này. Thực tế hiện nay Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế và TTP cũng nằm trong tinh thần đó. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh hội nhập nhưng phải chủ động, giữ vững độc lập về kinh tế, phát triển các thế mạnh của Việt Nam để phát triển bền vững, mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào...

Trả lời câu hỏi về cải cách các đơn vị sự nghiệp công lập, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới nhiều người và đời sống xã hội, Chính phủ đang xây dựng đề án để trình Trung ương xem xét trong thời gian tới trên tinh thần xã hội hóa mạnh mẽ với bước đi, lộ trình cụ thể.

Trả lời chất vấn về việc phát huy tiềm năng du lịch, Thủ tướng cho biết muốn du lịch trở thành mũi nhọn thì du lịch phải chiếm từ 7 - 10% GDP, hiện nay thì chưa được 7,5% GDP là chưa cao, mặc dù đã có tiến bộ là tăng 25% khách quốc tế trong năm 2015.

Để trở thành kinh tế mũi nhọn thì phải có cộng đồng văn minh, xây dựng thương hiệu du lịch lớn, phải có thể chế tốt, ưu tiên cho du lịch, có công tác xúc tiến quảng bá, dành cơ sở hạ tầng cần thiết cho du khách.

Về nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, Chính phủ sẽ dành thời gian nhiều hơn, bố trí cán bộ giỏi hơn, đẩy mạnh lấy ý kiến các đối tượng liên quan trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thực thi pháp luật, để đưa pháp luật vào cuộc sống.

Về phẩm chất, trí tuệ của các thành viên Chính phủ mà đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi, Thủ tướng nói: "Tuy 5 ngón tay có ngón dài ngón ngắn nhưng đều chung một bàn tay", các thành viên Chính phủ đương nhiệm quyết tâm xây dựng một Chính phủ đoàn kết, thống nhất, hoạt động công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo,... để thực hiện tốt nhất các mục tiêu được Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.

9h25, trước giờ giải lao, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập vấn đề nhạy cảm là về công tác bổ nhiệm cán bộ vừa qua như bổ nhiệm người thân, họ hàng, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn… nhưng tất cả vẫn đều "đúng quy trình". Kết luận về những hạn chế trong công tác này đã được nêu ra. Thủ tướng cũng nêu thông điệp khi nhậm chức là làm sao để con cháu người nghèo, người dân tộc thiểu số cũng có cơ hội tiến thân. Đại biểu đặt câu hỏi làm sao để chọn, bổ nhiệm cho được người tài, người giỏi, dù họ có là con cháu ai, ở góc rừng, góc bể nào?

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn. Đại biểu cho rằng việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức với những dự án gây thiệt hại lớn này đang rất chậm và việc xử lý chậm sẽ càng ngày càng gây thua lỗ lớn. Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt việc này để lấy lại niềm tin của người dân.

Sau giờ giải lao, trả lời về vấn đề quy trình lựa chọn cán bộ, Thủ tướng cho biết quy trình đã được xây dựng và cơ bản là phát huy hiệu quả tốt. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình này để không bỏ lọt các trường hợp từ cấp cơ sở. Các giải pháp đề ra như bầu cử có số dư, đánh giá công khai minh bạch cán bộ, thi tuyển thay thế dần quy trình bổ nhiệm.

Thủ tướng đồng ý việc kiểm điểm, thanh tra để xác định trách nhiệm cá nhân với những dự án thua lỗ lớn. Đồng thời, Thủ tướng cũng tán thành việc “cắt lỗ” sớm ở các dự án này, sớm dừng, không triển khai thêm và thu hồi tối đa có thể tài sản cho nhà nước.

Về giải pháp triển khai chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần xử lý nghiêm các vi phạm, tích cực trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, hạn chế di dân tự do, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với bảo vệ rừng...

Về chăm lo đối với đồng bào dân tộc, Thủ tướng cho biết, cả nước có 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào cao,... do vậy cần có chính sách cần thiết để nâng cao mức sống, nâng cao dân trí cho đồng bào. Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn dành nguồn ngân sách thỏa đáng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn phát triển kinh tế, xã hội với giữ gìn văn hóa; trong đó ưu tiên cho các xã biên giới, các dân tộc rất ít người, phát huy vai trò của người có uy tín...

Về quy trình cán bộ, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, rà soát, nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập, theo hướng đẩy mạnh công khai, minh bạch, tăng cường tính cạnh tranh trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...

Về nâng cao hiệu quả dịch vụ hành chính công, Thủ tướng cho biết, hiện chúng ta đang áp dụng một số mô hình: Một cửa, người dân đánh giá sự hài lòng của cán bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường công khai, giám sát, mở rộng mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công...

10h15, tiếp tục chất vấn, các đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), Thái Trường Giang (Cà Mau)... chất vấn về giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; giải pháp cụ thể cơ cấu lại nông nghiệp; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước; giải pháp đột phá ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, hạn chế chồng chéo, nâng cao tính khả thi; giải quyết bất bình đẳng giữa cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; giải pháp tăng cường phối hợp giữa Chính phủ với các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng chống tham nhũng; kế hoạch triển khai xây dựng dự án Luật Hành chính công; khắc phục ô nhiễm sông Nhuệ, Tô Lịch; chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền và chính sách phát triển đội tàu đánh cá hiện đại;... 

Trả lời chất vấn về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã có chương trình cụ thể đối với từng ngành địa phương và dành kinh phí cần thiết cho vấn đề này. Tuy nhiên, nguồn lực vẫn còn hạn chế. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Về quản lý doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đang xây dựng dự án để quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh công khai minh bạch,...

Về biện pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, cần giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện thể chế để cá nhân không dám, không thể, không muốn tham nhũng; hạn chế cơ chế xin - cho; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ tham nhũng; tăng cường kiểm soát quyền lực; quan tâm đến đời sống và công tác tư tưởng của cán bộ; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, báo chí, nhân dân trong giám sát, phòng chống tham nhũng...

Đồng thời Thủ tướng cũng trả lời cụ thể về các giải pháp: Tái cơ cấu nông nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ cấu lại hệ thống giáo dục; thực thi chiến lược phát triển kinh tế biển trong tình hình mới...

10h39: Các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn), Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Phan Viết Lượng (Bình Phước), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Phạm Phú Quốc (TPHCM), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)... chất vấn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân; giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ chính đáng sản phẩm sản xuất trong nước; giải pháp đầu tư cho giáo dục (phát triển đội ngũ nhà giáo, miễn học phí cho học sinh phổ thông); giải pháp tận dụng tối đa các hiệp định hội nhập mang lại; giải pháp xử lý hiện tượng phạt cho tồn tại (ẩn sau đó là thương lượng, mặc cả, tư túi); xây dựng, áp dụng văn hóa từ chức; giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM, tiến độ di dời các trường đại học, cơ quan ra khỏi nội đô, nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng đô thị; giải pháp xây dựng 1 - 2 trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước ngang tầm khu vực; giải pháp lâu dài, đột phá để khắc phục sự cố môi trường biển và lũ lụt ở các tỉnh miền Trung...

10h50, khẳng định tầm quan trọng của công tác tiếp dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để theo dõi xử lý; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo;...

Đồng tình với quan điểm đại biểu nêu về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa sản xuất trong nước; thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao; xây dựng cơ chế để phát triển các tập đoàn, công ty lớn của đất nước...

Về thể chế "phạt cho tồn tại" cần nghiên cứu rà soát, tổng kết, đánh giá lại quy định, không để xảy ra tiêu cực. Về văn hóa từ chức, Thủ tướng tiếp thu ý kiến này, khẳng định văn hóa từ chức là cần thiết và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng trình bày các giải pháp về phát triển giáo dục; giải quyết vấn đề quy hoạch, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM; kiên quyết không bù lỗ, bán khoán, cho thuê các doanh nghiệp đã "đắp chiếu"; xây dựng cơ chế hình thành trung tâm kinh tế tài chính lớn của đất nước tại TPHCM, Hà Nội;...

Về giải quyết sự cố môi trường ở miền Trung, Thủ tướng khẳng định nếu lặp lại ô nhiễm môi trường sẽ đóng cửa Formosa. Về phòng chống lũ, đây là ứng phó thiên tai, nên cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ vừa cấp bách, vừa lâu dài, Thủ tướng mong đồng bào miền Trung phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để vượt qua khó khăn thách thức...

11h10, Thủ tướng đã kết thúc toàn bộ phần trả lời chất vấn. Còn 7 đại biểu câu hỏi, chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi và Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.

*Theo chương trình kỳ họp, sáng 17/11, từ 8h 00 đến 8h 30, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi chiều 16/11.

Từ 8h 30 đến 11h 10, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong ngày 2 ngày 15 và 16/11/2016.
  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trước đó, 4 Bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ đã lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các nội dung: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về: Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp; công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực; việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn các vấn đề: Tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ,chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của Nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

11g06, Thủ tướng đã kết thúc toàn bộ phần trả lời chất vấn. Còn 7 đại biểu câu hỏi, chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi và Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.