Hội nghị có sự góp mặt của 500 đại biểu, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 12 triệu nông dân trên cả nước.
Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì, cùng sự góp mặt của đại diện HĐND TP, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở ngành, tổ chức hội - đoàn thể, hộ nông dân, hợp tác xã tiêu biểu...
Phát biểu định hướng hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ, cảm thông đối với bà con nông dân nói riêng và Nhân dân nói chung, trong 2 năm vừa qua phải gồng mình ứng phó với dịch Covid-19. Dù đã cơ bản kiểm soát được đại dịch, tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không được phép lơi là, chủ quan vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tình hình chính trị thế giới hiện nay và dịch bệnh phức tạp ở nhiều nước khiến giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp gia tăng, tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng không thể cục bộ, không có nghĩa là tách biệt với thế giới bên ngoài. Thay vào đó, cần chủ động, tích cực hội nhập.
“Chúng ta cần bám sát tình hình thực tiễn khách quan, từ đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết; không thể xa rời thực tiễn. Điều quan trọng nhất là cần có giải pháp để hoá giải khó khăn, thách thức; phát huy nội lực nhằm phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng” - người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, sát cánh cùng nông dân khắc phục những khó khăn đang hiện hữu. “Sở dĩ chúng ta vượt qua được khó khăn trong các giai đoạn khác nhau trong lịch sử là nhờ đại đoàn kết dân tộc. Trong thách thức hiện nay, cần chung sức đồng lòng để vượt qua khó khăn...” - Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, 3 cuộc đối thoại trước đây đã mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời kỳ vọng cuộc đối thoại lần 4 này sẽ đạt được nhiều ý nghĩa tích cực. Dù vậy, trong khuôn khổ một cuộc đối thoại, không thể giải quyết được hết, do đó điều quan trọng vẫn là cần phát huy nội lực; tiến tới tri thức hoá người nông dân; đa dạng chuỗi cung ứng nhằm phát triển ổn định, bền vững nền nông nghiệp…
“Mỗi người phải có trách nhiệm trên cương vị của mình, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, cùng nông dân khắc phục những khó khăn, thách thức hiện hữu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới…” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là diễn đàn để đại diện nông dân, hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện Chiến lược chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tính đến trước hội nghị, ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới người đứng đầu Chính phủ. Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ban hành và chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ kịp thời để nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tiếp tục phát huy sáng tạo của nông dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19…