Thủ tướng: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế"

Công Thọ - Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 28/12, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước...".

Sáng 28/12, Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương đã được khai mạc. Tới dự có Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Diễn ra ngay trước thềm năm mới, Hội nghị Chính phủ với các địa phương là sự kiện quan trọng để điểm lại những thành tựu, kết quả, khó khăn, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, xác định và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Hội nghị.
Báo cáo của Chính phủ, năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong nhiều năm và hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước. Hoàn thành 12 chỉ tiêu kế hoạch trong đó 9 chỉ tiêu vượt. Năm thứ ba liên tiếp CPI dưới 4%, thu NSNN vượt 6% so với dự toán, dự trữ ngoại hối trên 60 tỷ USD…
Triển khai nhiệm vụ 2019, Chính phủ xác định các nhóm giải pháp lớn cho năm 2019: Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cùng với đó, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.
"Niềm tin của nhân dân chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này"

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ mọi thành quả và khó khăn của năm 2018 sẽ tác động quan trọng tới tinh thần và quyết tâm của năm 2019, năm chúng ta bắt đầu tiệm cận giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Với ý nghĩa đó, năm 2019 càng trở nên quan trọng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.

Theo Thủ tướng, mỗi một thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị cùng với nhiều nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả điều đó đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao cho Chính phủ kể từ ngày đầu nhận trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi lẽ có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Nếu năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%.

 Thủ tướng phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 28/12

Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%.

“Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định. Và điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018.

Trước đây, chúng ta lo lắng, sợ sập đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, đến hôm qua, chúng ta đã có vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu. Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thành tích thể thao rất ấn tượng và nhiều cuộc thi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn đạt giải cao, nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh.

“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”, Thủ tướng bày tỏ.

Không đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2

Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước ĐBSCL.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số. Chúng ta không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà sẽ đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

 Quang cảnh Hội nghị

Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Ví dụ, riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam năm nay có thể đem lại cho chúng ta kim ngạch tới gần 10 tỉ USD. Đây là lĩnh vực chúng ta nằm trong top 5 các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất toàn cầu…

Mặc dù những con số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào còn thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.

Ý chí của một dân tộc và quyết tâm của chúng ta trong lần kỷ niệm lần thứ 50 thực hiện Di chúc của Bác Hồ (năm 2019) càng thôi thúc chúng ta cố gắng hơn nữa trong công việc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hội nghị hôm nay có sự tham gia của các đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và 63 địa phương trong cả nước thể hiện rõ tầm quan trọng của Hội nghị lần này.

Cùng với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết 01, 02 ngay sau Hội nghị để cả hệ thống hành chính, các loại hình doanh nghiệp và người dân của chúng ta sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2021.