Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Cho phép mở lại các dịch vụ không thiết yếu, trừ vũ trường và karaoke

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke và phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh...

Sáng 7/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống mới.
Dự họp tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ngành chức năng của thành phố.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho biết, 21 ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng. Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch Covid-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới. 100% số tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại ổn định.

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp mới

Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, nhiều nước đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao. Một số nước ASEAN tình hình diễn biến phức tạp. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.

Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận các biện pháp đối với trong nước như thế nào, ngoài nước như thế nào? Trong nước, tiếp tục giảm “giãn cách xã hội” thế nào để trở lại hoạt động bình thường, “chứ vào lớp học vừa đội mũ bảo hộ, vừa đeo khẩu trang thì làm sao các em học được trong khi mùa hè nóng bỏng này”.

Các ngành nghề tiếp tục được hoạt động trở lại như thế nào. Mở ra mạnh mẽ hơn trong nước là hướng quan trọng để bảo đảm sản xuất, kinh doanh bình thường nhưng đề cao cảnh giác. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về cần tiếp tục được kiểm soát như thế nào, điều này cũng cần phải tính.

Hà Nội kiến nghị được đưa về nhóm "nguy cơ thấp"

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Ban Chỉ đạo thành phố vẫn duy trì họp thường xuyên để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Hà Nội đã cho sinh viên các trường đại học, dạy nghề, học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở đi học trở lại từ ngày 4/5.

Trong 22 ngày liên tiếp, Hà Nội không có bệnh nhân mới, tổng số ca mắc là 112 trường hợp, trong đó 88 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tất cả bệnh nhân được chữa khỏi khi về địa phương vẫn tiếp tục cách ly 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần.

Ngoài ra, thành phố còn khuyến khích những đối tượng này ở nhà thêm 30 ngày. Hiện nay, tất cả bệnh nhân khỏi bệnh về lại cộng đồng đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2.

Đến nay, Hà Nội chỉ còn 5 trường hợp cách ly tập trung, 4 trường hợp F1, 8 trường hợp F2. Hai ổ dịch là Mê Linh và Thường Tín đều đã được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định. Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) đã được kiểm soát hoàn toàn và kết thúc vùng cách ly y tế từ 0h00 ngày 6/5.

Ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) đã thực hiện cách ly từ ngày 16/4, đến nay đã được 20 ngày, toàn bộ nhân dân trong thôn đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không có trường hợp nghi ngờ.

"Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Hiện Hà Nội vẫn còn nguy cơ, nhưng là nguy cơ thấp, khó xảy ra bùng phát dịch trong cộng đồng", Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định.

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại điểm cầu Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa Hà Nội (trừ thôn Đông Cứu do chưa cách ly đủ 28 ngày) về nhóm "nguy cơ thấp" như các địa phương khác trên toàn quốc để tạo điều kiện cho Hà Nội nới lỏng giãn cách, ổn định thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, xã hội.

Cả nước ở tình trạng "nguy cơ thấp"

Phát biểu kết luận, nêu rõ 21 ngày qua cả nước không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cả nước ở tình trạng "nguy cơ thấp", đây là điều đáng mừng. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực châu Á, Đông Nam Á diễn biến phức tạp.

Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế-xã hội để dần trở lại bình thường. Đẩy mạnh phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cần tập trung ở mọi cấp, mọi ngành. Nhưng cũng không được chủ quan, coi thường dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập. Nếu có người ở nước ngoài về, đều phải cách ly tập trung 14 ngày, trừ trường hợp chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư thì có phương thức cách ly tại chỗ phù hợp.

Tuyệt đối không để người nhập cảnh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp dương tính trong cộng đồng. Ban chỉ đạo các cấp duy trì nhóm phản ứng nhanh, dự báo và thu thập dữ liệu để phát hiện nhanh nhất các trường hợp dương tính, các trường hợp tiếp xúc gần, kịp thời khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trên phương tiện hành khách công cộng đông người, rửa tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc ở nơi đông người.

Đồng ý với đề xuất về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nêu rõ, không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay. Định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí. Nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh; không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học… Ngành giáo dục, các địa phương có kế hoạch tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm trung thực, khách quan.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận

Cho phép mở các dịch vụ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke, và phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn).

Thủ tướng cũng đồng ý bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu hỏa, tàu thủy…) nhưng yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang.

Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người…, khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Ngành y tế tiếp tục kiện toàn năng lực cho các phòng xét nghiệm xác định Covid-19, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ xét nghiệm. Tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh và các kỹ thuật/sinh phẩm chẩn đoán trên thế giới và tại Việt Nam để điều chỉnh hoạt động xét nghiệm phù hợp với công tác phòng, chống dịch.

Tiếp tục nghiên cứu phác đồ điều trị, xây dựng các hướng dẫn và tập huấn cho y tế cơ sở để thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe cho người dân tại cộng đồng và hướng dẫn xử trí khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính.

Các Bộ, UBND các địa phương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ giao, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, đưa nhanh tiền hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 đến người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, chống gian lận.

Các ngành và các địa phương có liên quan, nhất là Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các địa phương có phương án kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tìm các tập đoàn, các đơn vị trong và ngoài nước đến đầu tư, làm ăn ở địa phương mình để tạo một không khí thu hút phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 Quang cảnh phiên họp

Về thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng đồng ý cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở theo đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác, Thủ tướng cho phép UBND các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để chủ động mở lại cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn theo nguyên tắc mà Nghị định 112 đã quy định, bảo đảm quy trình kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản, hải sản xuất khẩu của nước ta và hàng nguyên liệu cấp thiết cho sản xuất trong nước.

Bộ VHTTDL khẩn trương chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông các điểm đến an toàn với những việc làm cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh du lịch nội địa, nhất là mùa hè hiện nay. Chủ động tổ chức thị trường và chuẩn bị phương án tái khởi động thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp.