Chiều 30/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đại diện một số tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp... cùng dự.
Tại lễ ra mắt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã công bố Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc.Thủ tướng yêu cầu Ủy ban sau 1 năm hoạt động không chỉ tiến hành sơ kết, tổng kết mà cần đánh giá xem “đã làm được những việc gì để góp phần tăng trưởng, giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước và việc quan trọng là vun đắp một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công bằng đối với các thành phần kinh tế”.Thủ tướng đề nghị các bộ có doanh nghiệp được chuyển giao cần phối hợp với Ủy ban để chuyển giao ngay, không để chậm trễ, phức tạp, sai sót xảy ra, không để khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn Nhà nước, tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty.Cho rằng không phải chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban thì vai trò, trách nhiệm của các bộ giảm xuống, Thủ tướng nêu rõ, các bộ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực của mình để tạo môi trường, không gian hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thuận lợi.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển giao về Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp trong công tác chuyển giao, kịp thời báo cáo Ủy ban những vấn đề, vướng mắc phát sinh. “Các đồng chí là người đại diện trực tiếp tại doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, tạo việc làm, đóng góp tích cực vào ngân sách và tăng trưởng”, Thủ tướng nói. “Hãy chống tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà trong kinh doanh và không để phức tạp xảy ra như một số vụ việc mà chúng ta đã vấp phải”.Trong lúc chuẩn bị bàn giao, không để khoảng trống, không để tiêu cực xảy ra. Cần học hỏi trên thế giới, họ sử dụng những cơ chế gì hay khuyến khích cơ quan quản lý vốn Nhà nước của họ để từ đó ứng dụng khéo léo trong hoàn cảnh đất nước.“Kỳ vọng của người dân, xã hội, cả hệ thống chính trị đặt lên vai các đồng chí rất lớn. Là cơ quan mới thành lập, Ủy ban sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban”, Thủ tướng bày tỏ.Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban, mặc dù số lượng cán bộ ban đầu hạn chế, chủ yếu là các cán bộ biệt phái từ một số bộ, ngành và SCIC, nhưng thời gian qua, Ủy ban đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều công việc để đảm bảo sẵn sàng đưa Ủy ban đi vào hoạt động chính thức ngay khi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được Chính phủ ban hành.Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Dự kiến khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên liên tục.Tại lễ ra mắt, Ủy ban đã cùng với 5 Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban.Cũng tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.