Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm phát triển bao trùm trong phát triển kinh tế - xã hội, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng và nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều được quan tâm. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều người mang trong mình chất độc da cam/dioxin, nhiều trẻ em bị dị tật, sống thực vật và nhiều chị em bị mất thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Thủ tướng đánh giá, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã phát huy tốt tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”. Hiện có trên 800.000 người nhiễm chất độc da cam/dioxin được trợ cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Tổ chức Hội các cấp đã vận động nguồn lực trong những năm qua đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2020 đạt 370 tỷ đồng, thiết thực góp phần giúp đỡ nạn nhân và gia đình giảm bớt khó khăn, vơi đi nỗi đau.Bày tỏ sự chia sẻ và tri ân đối với những người đã tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chịu nhiều mất mát đau thương, Thủ tướng khẳng định, “chúng ta sẽ làm hết sức mình, kể cả vận động quốc tế, xã hội hóa nguồn lực, cùng ngân sách Nhà nước để có nguồn lực cho Hội và những người bị nhiễm có điều kiện tốt hơn”. Chúng ta cố gắng quan tâm tới tất cả các nạn nhân, nhất là thế hệ thứ 3.
Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hoạt động của Hội phải phục vụ thiết thực cho những người bị nhiễm chất độc. Bám sát nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Hội, xác định trọng tâm, trọng điểm và giải pháp thực hiện cụ thể, theo tinh thần “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” như lời dạy của Bác Hồ.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam, trong đó tập trung tuyên truyền về 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam cả trong nước và quốc tế, làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam, về công cuộc khắc phục hậu quả ở Việt Nam, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Thủ tướng trao 500 triệu đồng cho Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân. Chú trọng công tác huy động các nguồn lực xã hội. Kịp thời động viên, cổ vũ, khuyến khích, lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam.Kiên trì cuộc vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam bằng những bước đi, hình thức, biện pháp phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.Về một số kiến nghị của Hội về tăng cường công tác tuyên truyền; về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc hóa học và về hoạt động hỗ trợ nạn nhân đấu tranh đòi công lý, Thủ tướng cho biết, các vấn đề này đã được thảo luận tại Hội nghị Tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vào ngày 8/1 vừa qua. Thủ tướng đã giao Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì, đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 701 ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo.Thủ tướng chia sẻ, hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề, có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam và nỗi đau này không chỉ của riêng ai. Thủ tướng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục sát cánh cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cuộc đồng hành nhân ái vì nạn nhân chất độc da cam.Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao 50 căn nhà tình nghĩa tặng nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 500 triệu đồng cho Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin./.