Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: "Cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn”

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/5, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” chính thức khai mạc tại hội trường chính của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Đại lễ có sự tham dự của với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc...
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại lễ Vesak 2019.
Phát biểu trước các đại biểu trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã vượt trên một lễ hội văn hoá tôn giáo thông thường, nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền tới tất cả chúng ta thông điệp lâu đời của Đức Phật Thích Ca về hoà bình, hoà hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và là chất liệu để góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, đem đến hòa bình, thịnh vượng và phát triền bền vững, vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.
Năm 1999, Lễ Phật đản đã được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là một trong những hoạt động văn hóa quốc tế lớn toàn cầu - Đại lễ Vesak. Từ năm 2004, Liên Hợp Quốc tổ chức hàng năm Đại lễ Vesak, đây là cơ hội để các Phật tử thể hiện sâu sắc niềm tin vào giáo lý của đức Phật, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi - Trí tuệ và Hòa bình.
Đại lễ Vesak là sự thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Liên Hợp Quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời duy trì, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị tích cực trong triết lý của đạo Phật để cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình, dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, về truyền thống văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Thủ tướng bày tỏ, trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2019, chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh đức Phật và cùng suy ngẫm về chân lý hòa bình, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi; đồng thời phát huy những chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống, giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc và cùng xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc cho toàn nhân loại. Đó là một sự đồng điệu với các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau, mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức tắm Phật. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho rằng, thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, các quốc gia ngày càng phát triển, của cải vật chất ngày càng nhiều hơn nhưng cuộc sống hiện thực của người dân tại không ít nơi còn chịu khổ đau do chiến tranh, xung đột, thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Nhiều người với lối sống thực dụng đang xa dần hoặc quên đi những giá trị nhân bản. Sự quan tâm về vật chất quá lớn đã làm rộng ra một cách sâu sắc khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm cho nền tảng đạo đức truyền thống của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng. Trước thực tế đó, tại Đại lễ Vesak hôm nay, Thủ tướng kêu gọi, “chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, chiêm nghiệm lời Phật dạy để tìm ra giải pháp và cùng nhau hành động để bảo vệ, kiến tạo cho thế giới ngày càng an lạc, tốt đẹp hơn”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề thảo luận của Đại lễ Vesak lần này là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” thể hiện trách nhiệm của Phật giáo với hiện thực và tương lai xã hội, cũng như thông điệp từ Đại lễ: Mỗi người chúng ta chính là sứ giả của đức Phật, hãy cùng quan tâm, chia sẻ, hiện thực hóa thông điệp về hòa bình, đoàn kết và yêu thương vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy lùi những xung đột, khổ đau, đói nghèo, đưa con người tới cuộc sống an vui, làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak trong khắp cõi nhân gian, kiến tạo một cõi Niết bàn trong thế giới hiện thực.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại lễ Vesak 2019
Thủ tướng cho biết, Phật giáo là tôn giáo có lịch sử từ lâu đời, gắn bó sâu sắc với văn hóa truyền thống và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, với tấm gương sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Từ hào quang của ngôi vương cao quý, niềm kiêu hãnh anh dũng chiến thắng ngoại xâm, Ngài đã đến với chân lý anh minh, từ bi, hỷ xả của giáo lý Phật giáo và hành đạo cứu giúp muôn dân. Nối tiếp truyền thống, trong nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, thể hiện rõ ý chí hòa hợp, đoàn kết và thống nhất, khẳng định ví trí, vai trò, góp phần xây dựng đất nước. Việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, thêm một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, phù hợp với văn hóa, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.
Với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhân dân trên toàn thế giới với tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, vì sự hòa hợp giữa các dân tộc, góp phần củng cố những giá trị văn hóa cao đẹp của toàn nhân loại. Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; đồng thời, tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới.
Thủ tướng tin tưởng rằng, “với nỗ lực chung của mỗi chúng ta vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp, thành tựu viên mãn”.