Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới.
“Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệpTại Hội nghị, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia về nhiều vấn đề, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp, một lực lượng được xác định có vai trò trụ cột thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị hôm nay, sự kiện được xem như “Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp bày tỏ một số băn khoăn, vướng mắc và nêu kiến nghị, đề xuất. Ý kiến các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có chính sách về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính, vấn đề quỹ đất làm nông nghiệp... Trao đổi với các doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ khẳng định cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Theo Thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn tồn tại, bất cập khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề. Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích mọi người ăn nhiều rau hơn, nhiều chất xơ hơn để phòng chống bệnh tật và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường nội địa rất lớn, gần 100 triệu dân. Thủ tướng cũng lưu ý, thị trường tiêu thụ là vấn đề lớn khi tình trạng dư thừa bắt đầu xuất hiện; đồng thời yêu cầu lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi bơm hóa chất, làm “nông sản bẩn”.
Đưa Việt Nam vươn lên tốp hàng đầu thế giới về nông sảnNhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên tốp hàng đầu thế giới về nông sản. “Tại Hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistic của thương mại nông sản toàn cầu”, Thủ tướng nói.Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các doanh nghiệp có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu. Khắc phục lãng phí sau thu hoạch khi mà hiện nay tỷ lệ tổn thất lên tới 20 - 30%. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến mở rộng thị trường, “trước khi gieo hạt giống cần nghĩ tới thị trường tiêu thụ ở đâu”.
Thủ tướng tham quan 1 gian hàng trưng bày tại hội nghị |
Trước đó, chiều 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của Công ty Phong Thúy tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị cao và nâng cao thu nhập cho người nông dân. |